Ngày 25.1, trao đổi với phóng viên, luật sư Lê Đình Việt (Hà Nội) cho biết đến nay, TAND huyện Nghi Xuân vẫn chưa tuyên án đối với ông Bùi Duy Chân, nguyên tổ trưởng tổ dân phố 7, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Như Lao Động đã thông tin, ông Bùi Duy Chân là Đại tá quân đội, nghỉ hưu năm 2006, năm 2013 làm tổ trưởng tổ dân phố (TDP). Năm 2014, ông Chân là thành viên Hội đồng tư vấn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thị trấn Xuân An.
Quá trình tham mưu cho Hội đồng tư vấn đo vẽ bản đồ, ông Chân phát hiện có diện tích 9.333,3m2 đất nông nghiệp trên địa bàn TDP7 do 20 hộ đang sử dụng canh tác (dưới hình thức mượn đất của TDP) thuộc 41,5ha đất nông nghiệp đã được phê duyệt trong Đề án giao đất năm 2002 nhưng chưa được chia cho cá nhân, hộ gia đình.
Ban cán sự TDP 7 đã tổ chức họp dân để lấy lại 9.333,3m2 đất đó chia đều cho 103 hộ gia đình canh tác. Chủ trương đã thông qua cuộc họp dân. Hồ sơ thủ tục được lập đúng quy trình, thông qua các cấp xét duyệt và niêm yết công khai. Tháng 4.2016, UBND huyện Nghi Xuân có quyết định cấp sổ đỏ đất nông nghiệp cho 126 cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất tại TDP 7 (trong đó bao gồm 9.333,3m2 đất mới được chia thêm cho 103 hộ).
Sau khi có dự án Khu đô thị mới Xuân An, nhà nước thu hồi một phần diện tích đất nông nghiệp nói trên, ngân sách chi trả tiền bồi thường hỗ trợ cho dân. Cho rằng ông Bùi Duy Chân đã tham gia cấp sổ đỏ sai dẫn đến ngân sách chi trả bồi thường sai, thiệt hại hơn 1 tỉ đồng, cơ quan công an đã khởi tố ông Chân về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”.
Luật sư Lê Đình Việt (Hà Nội) cho rằng đã xuất hiện một tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án, đó là cơ quan điều tra chưa xem xét trường hợp ông Chân không tham gia làm sổ đỏ, thì 9.333,3m2 đất nông nghiệp nói trên có được đền bù khi nhà nước thu hồi đất hay không.
“Theo tôi thì toàn bộ diện tích đất nói trên vẫn được đền bù bình thường, vì người dân đang sử dụng, canh tác ổn định. Trường hợp này việc ông Chân tham gia làm bìa đất hay không thì ngân sách vẫn phải chi trả số tiền đó. Do đó cần xem xét lại cáo buộc đối với hành vi làm sổ đỏ cho dân của ông Chân dẫn đến thiệt hại ngân sách” – luật sư Lê Đình Việt nói.
Liên quan vụ việc, ông Bùi Duy Chân đã bỏ ra 300 triệu đồng, một số bị cáo khác tự nguyện đóng nộp, tổng cộng đã khắc phục 100% thiệt hại theo cáo trạng.
Về vấn đề này, luật sư Lê Đình Việt cho rằng trường hợp phát hiện sai phạm, cơ quan chức năng cần ban hành quyết định thu hồi bìa đỏ đã cấp sai và thu hồi toàn bộ số tiền chi sai cho các hộ dân để khắc phục hậu quả và phục vụ điều tra. Tuy nhiên đến nay UBND huyện Nghi Xuân vẫn chưa thu hồi bìa đỏ và tiền ngân sách chi trả sai cho các hộ dân, theo kết luận điều tra.
Do đó, dẫn đến sự việc các bị cáo phải bỏ tiền để khắc phục hậu quả, trong khi đối tượng nhận tiền ngân sách chi sai (theo kết luận điều tra) lại ung dung hưởng lợi. “Điều đó là không đúng với nguyên tắc tố tụng và dẫn đến bất công cho các bị cáo” – luật sư Việt nhận định./.