Mất mạng vì nâng mũi

Liên quan đến vụ chị Phạm Thị Diễm H (22 tuổi, quê ở Long An) tử vong sau khi đi phẫu thuật thẩm mỹ, được biết, Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội đã vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Theo thông tin ban đầu, chủ cơ sở thẩm mỹ H.M.P - nơi chị H làm phẫu thuật là anh H.M.P (28 tuổi). Anh P cho biết tuy sự cố xảy ra tại cơ sở của mình song chị H không phải khách hàng của anh. Anh P đã cho anh G mượn địa điểm để phẫu thuật nâng mũi cho chị H.

Thời gian qua, tình trạng “cho mượn”, cho thuê địa điểm để thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật thẩm mỹ, làm đẹp không phải là chuyện hiếm gặp. Một số cá nhân tuy không có chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ nhưng có địa điểm nên đã đầu tư vốn để mở thẩm mỹ viện sau đó mời bác sỹ, những người có kinh nghiệm về cơ sở của mình để thực hiện xăm môi, xăm mắt, cắt mí, nâng mũi, thậm chí cả hút mỡ bụng… cho khách. Số tiền thu được từ khách hàng sẽ được ăn chia theo thoả thuận.

tu-vong-nang-mui-9707-1647649818.jpeg
Hình ảnh được cho là cô gái đã tử vong sau nâng mũi xuất hiện trên mạng xã hội

Về trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan khi xảy ra sự cố, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, trước hết, cơ quan chức năng sẽ làm rõ cơ sở làm đẹp có được cấp giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hay không.

Khoản 6, Điều 39, Nghị định 117/2020/NĐ-CP đã quy định mức phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép. Ngoài ra, cơ sở này còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 12-24 tháng.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng làm rõ người trực tiếp thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi là ai, có giấy phép hành nghề, có thực hiện đúng các quy định pháp luật trong hoạt động khám chữa bệnh, hoạt động chuyên khoa thẩm mỹ không?

Cho mượn địa điểm phẫu thuật có phải chịu trách nhiệm?

Cũng theo Luật sư Thu, do hậu quả chết người đã xảy ra, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân tiến hành phẫu thuật có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 315 BLHS 2015 về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác với mức hình phạt từ 1-15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Về trách nhiệm của người cho mượn cơ sở thẩm mỹ, Luật sư Thu phân tích, để thực hiện hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ thì cơ sở thực hiện phải đáp ứng điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định và phải có Giấy phép hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.

Trong vụ việc cô gái 22 tuổi tử vong sau khi đi nâng mũi, nếu có hành vi khám chữa bệnh trái phép gây thiệt mạng cho bệnh nhân thì cơ quan công an sẽ khởi tố vụ án hình sự để làm rõ về hành vi của các cá nhân liên quan.

Trường hợp có căn cứ cho rằng người phẫu thuật và bên cho thuê địa điểm cùng nhau thực hiện các khâu, công đoạn trong hoạt động khám chữa bệnh gây chết người thì sẽ bị xử lý hình sự. Còn nếu bên cho thuê, mượn địa điểm không biết về hành vi khám chữa bệnh trái phép thì chỉ bị xử lý hành chính về các hành vi liên quan đến cho thuê, kinh doanh không đúng quy định pháp luật.

Về việc bồi thường cho gia đình nạn nhân, theo Luật sư Thu, cá nhân thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ gây chết người có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân.

Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa tiền công người chăm sóc, chi phí mai táng và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần.../.