Vừa qua, có hàng chục hộ dân nuôi cá lồng ở huyện Tương Dương (Nghệ An) bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước tại khu vực chăn nuôi cá. Lồng cá “mắc cạn” khiến cá của nhiều hộ dân nuôi trong lồng bị chết hoàn toàn. Hàng chục tạ cá buộc phải bán tháo vì không có nước để chăn nuôi.

1-1652435803.jpg
Hình ảnh mang tính chất minh họa.

Phía chính quyền huyện Tương Dương đang triển khai thống kê và tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng nói trên.

Các lồng cá ở huyện Tương Dương bị thiệt hại tập trung vào lưu vực lòng hồ thủy điện Khe Bố và thủy điện Nậm Nơn. Ngoài ra, nguồn nước để cung cấp chính cho khu vực nuôi trồng thủy sản ở huyện Tương Dương là dòng sông Nậm Nơn và Nậm Mộ.

Trao đổi với phóng viên, nhiều hộ dân chăn nuôi cá và một số lãnh đạo địa phương cho rằng, việc cá chết tại các lồng cá là do nước tại lưu vực lòng hồ rút xuống.

Để làm rõ vấn đề này, PV An Ninh Tiền Tệ đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo các nhà máy thủy điện trên địa bàn huyện Tương Dương.

Hồ thủy điện Khe Bố là khu vực có nhiều hộ dân tham gia chăn nuôi cá lồng thương phẩm lớn nhất huyện Tương Dương. Tại hồ thủy điện Khe Bố có hàng trăm lồng cá của người dân, tập trung ở các xã như: Tam Thái, Tam Đình, thị trấn Thạch Giám, xã Xá Lượng… Vừa qua, cá trong lồng của người dân bị chết cũng tập trung chủ yếu tại lưu vực lòng hồ thủy điện Khe Bố.

2-1652435827.jpg
Một khúc của lòng hồ thủy điện Khe Bố tại xã Xá Lượng, huyện Tương Dương tại thời điểm cá chết.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Khởi, Giám đốc nhà máy thủy điện Khe Bố cho biết, việc cá chết hoàn toàn không do thủy điện Khe Bố gây ra. Thủy điện Khe Bố được vận hành ngăn và xả nước theo cao trình giao động từ 63 đến 65. Vừa qua, mức nước thấp nhất của hồ thủy điện Khe Bố là 63,2. Đó là ngưỡng cho phép của hồ thủy điện Khe Bố.

Giải thích cho việc nước xuống mức cao trình 63,2m, ông Khởi nói, do nước từ thượng nguồn không về, cùng với đó là hồ chứa của thủy điện Khe Bố chỉ là có hơn 1,7 triệu m3 nước. Ngoài ra, hồ chứa phải cung cấp nước cho người dân hạ du nên không thể giữ mức nước ổn định như những ngày khác trong năm.

Đặt vấn đề về việc người dân ở trong lưu vực lòng hồ thủy điện Khe Bố bị ảnh hưởng, phía thủy điện có hỗ trợ hay không? Ông Khởi cho hay, sắp tới, khi có báo cáo về thiệt hại cụ thể, phía công ty sẽ làm văn bản gửi ra ban giám đốc để xin ý kiến về việc hỗ trợ những thiệt hại trong đợt cá chết vừa qua tại huyện Tương Dương.

Đợt vừa qua, có 2 hộ nuôi cá lồng ở lưu vực thủy điện Nậm Nơn bị ảnh hưởng. Khi đề cập đến vấn đề nguyên nhân gây ra cá chết là do thiếu nước, một cán bộ của thủy điện này cho biết, do nước từ thượng nguồn, đặc biệt là phía thủy điện Bản Vẽ không về nên thiếu nước. Phía nhà máy thủy điện Nậm Nơn cũng sẽ không hỗ trợ người dân nuôi cá lồng huyện Tương Dương bị thiệt hại trong đợt vừa qua.

3-1652435873.jpg
Tình trạng nước tại hồ chứa thủy điện Khe Bố đã khá lên.

Hiện nay, lượng nước về hồ chứa thủy điện Khe Bố chỉ có dòng sông Nậm Mộ, còn dòng Nậm Nơn đang ngừng cấp nước. Đó là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng các hồ chứa nước bị cạn xuống trong thời gian này.

Ông Tạ Hữu Hùng, Giám đốc nhà máy thủy điện Bản Vẽ thông tin, hiện nay phía Tập đoàn Điện lực đang cắt để phục vụ cho 2 dự án Trạm biến áp 220 kV tại huyện Tương Dương và đường dây 220 kV Nậm Mô – Tương Dương. Cụ thể, tuyến Tương Dương – Đô Lương bị cắt điện khiến nhà máy thủy điện Bản Vẽ phải ngừng phát điện. Điều đó đồng nghĩa với việc nhà máy không thể vận hành cấp nước cho hạ du theo quy định. Phía Công ty thủy điện Bản Vẽ cũng đã có văn bản báo cáo và trình phương án cung cấp nước cho hạ du trong thời gian này lên Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản chấp thuận phương án của Nhà máy thủy điện Bản Vẻ  đề xuất.

Trong kế hoạch, lịch ngừng cấp cho hạ du của Thủy điện Bản Vẽ sẽ diễn ra từ ngày 10/5 đến ngày 15/5. Trước ngày ngừng phát điện, phía Công ty thủy điện Bản Vẽ đã đề xuất và tăng lượng xả từ 110m3/ giây lên 220 m3/ giây để tránh việc thiếu nước ở hạ du.

“Sau khi đóng điện trở lại, chúng tôi cũng đã có phương án tăng lượng xả nước cho hạ du”, ông Tạ Hữu Hùng nói.

Đề cập đến vấn đề hỗ trợ cho các hộ dân có cá chết ở hạ du, đại diện của Công ty Thủy điện Bản Vẽ trả lời, sau khi có số liệu cụ thể công ty cũng sẽ phương án hỗ trợ, giúp dân hồi phục phát triển kinh tế.

4-1652435900.jpg
Một lồng cá của người dân bị "mắc cạn".

Sự việc cá lồng chết hàng loạt ở huyện Tương Dương không chỉ xảy ra ở đợt vừa qua. Vào những năm trước, hiện tượng lồng cá “mắc cạn” khiến cho cá chết đã xảy ra nhiều lần. Việc này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế của chính người dân nuôi cá mà còn để lại nhiều điều tiếng cho các hồ chứa nước trên địa bàn huyện Tương Dương nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng./.