Cùng với việc các lực lượng Mỹ và NATO rút khỏi Afghanistan, tình hình an ninh ở quốc gia này cũng xấu đi nhanh chóng. Lực lượng Taliban liên tục tuyên bố đã giành thêm được các vùng lãnh thổ quan trọng tại Afghanistan.

Cục diện ở Afghanistan hiện nay

Khủng bố và bạo lực lại trở thành vấn đề lớn nhất tại Afghanistan kể từ cuối năm 2020, và đặc biệt là những tháng đầu năm 2021 khi sát thời hạn chót cuối tháng 4 Mỹ phải rút hết quân đội khỏi quốc gia Nam Á này. Đây là thời hạn trong thỏa thuận Hòa bình mà chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký với Taliban tháng 2/2020.

Vòng xoáy bất ổn và “trò chơi quyền lực mới” ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân
Binh sĩ Mỹ tuần tra tại Afghanistan. Ảnh: Reuters

Kể từ thời điểm đầu tháng 5, khi Mỹ và các đồng minh trong NATO bắt đầu quá trình rút quân cuối cùng, tình hình an ninh tại Afghanistan càng trở nên rối ren. Taliban gia tăng các hoạt động khủng bố và tổ chức tấn công nhằm lấn chiếm lãnh thổ trên quy mô lớn khi biết Mỹ sẽ khó lòng hỗ trợ quân sự cho chính phủ Afghanistan thêm nữa. Kể từ giữa tháng 4 tới cuối tháng 6, Taliban đã giành quyền kiểm soát của hơn 50 quận, huyện trên toàn quốc.

Như vậy, Taliban đang nắm trong tay vùng lãnh thổ gồm 124 quận, trong khi 186 quận khác đang là nơi tranh chấp với quân chính phủ. Các cuộc tấn công của Taliban không chỉ tạo ra áp lực trên chiến trường, mà còn gây ra những vấn đề về tinh thần và niềm tin cho các lực lượng chính phủ Afghanistan.

Cuối tuần qua, hơn 1.000 binh lính chính phủ Afghanistan đã tháo chạy sang nước láng giềng Tajikistan sau các cuộc đụng độ với các tay súng Taliban. Thậm chí, nhiều binh lính chính phủ đã bỏ chạy khi chưa trực tiếp giao tranh với Taliban, sau khi các yêu cầu tiếp viện không được đáp ứng. Trong những ngày qua, lực lượng Taliban đã giành được quyền kiểm soát hoàn toàn 6 quận thuộc tỉnh miền Bắc Badakhshan giáp biên giới Tajikistan. 2/3 trong tổng số 1.357 km biên giới giới giữa hai nước đã dưới sự quản lý của Taliban.

Làn sóng bạo lực mới mà Taliban phát động đang gây ra lo lắng và hoảng sợ với dân thường Afghanistan. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố thúc đẩy rất nhiều cộng đồng địa phương đoàn kết và tự vũ trang chống lại Taliban, bảo vệ mảnh đất của mình. Còn với chính phủ Afghanistan, họ vẫn tuyên bố sẽ giành lại các khu vực đã rơi vào tay phiến quân Taliban, nhưng với cục diện hiện nay, sẽ rất khó cho binh lính chính phủ Afghanistan giữ được các vùng đất còn lại, chứ chưa nói gì tới phản công giành lại các khu vực đã mất.

Theo thông tin chính thức từ truyền thông, các lực lượng quân sự Mỹ sẽ chấm dứt sự hiện diện ở Afghanistan trong tháng 7 này. Thậm chí có người còn khẳng định, công việc này đã hoàn thành tuần qua với hình ảnh biểu tượng là việc trao trả căn cứ Không quân Bagram - trung tâm chỉ huy điều hành tác chiến lớn nhất tại chiến trường Nam Á này một thời. Điều này đã tạo ra hiệu ứng xấu tới nội bộ Afghanistan. Những gì đang diễn ra đang hiện thực hóa lời cảnh báo của tình báo Mỹ rằng chính quyền dân sự ở Afghanistan có thể sụp đổ ít tháng sau khi binh lính Mỹ rút đi.

Nguy cơ với an ninh khu vực

Việc Taliban đang trở lại với các cuộc tấn công và giành giật lãnh thổ là điều đáng lo ngại. Nguy cơ lớn nhất chính là an ninh và sự ổn định của đất nước Afghanistan. Viễn cảnh một cuộc nội chiến nữa với mảnh đất này như trong giai đoạn năm 1990 đang ngày một rõ ràng hơn. Dường như quân đội và cảnh sát Afghanistan, sau rất nhiều khoản viện trợ và huấn luyện của Mỹ suốt 20 năm qua, vẫn chưa thể tự đứng vững và đương đầu với mối đe dọa của Taliban.

Nếu trong tương lai, Mỹ không hỗ trợ cả bằng tiền và hành động trên chiến trường như đã cam kết, khả năng lực lượng chính phủ thất bại là rất cao. Điều tồi tệ là cuộc nội chiến sẽ kéo Afghanistan trở lại với cái vòng luẩn quẩn đói nghèo, bệnh tật và giao tranh liên miên. Taliban không giấu diếm việc khôi phục trật tự cai trị hà khắc như trong quá khứ. Kịch bản đó sẽ là dấu chấm hết cho mọi thành quả phát triển trong 20 năm qua, trong đó có kinh tế, giáo dục, y tế và bình đẳng giới. Việc Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước nghèo khó và đầy chia rẽ này cũng tạo điều kiện cho các nhóm khủng bố Hồi giáo như al-Qaeda, IS…- những tổ chức từng có liên hệ mật thiết với Taliban có thể sẽ trở lại để gây dựng lực lượng và mở rộng hoạt động tại đây.

Afghanistan với vị trí địa lý mang tính chiến lược là cầu nối giữa khu vực Nam Á với các quốc gia Trung Á, giữa Đông và Tây Á. Chính bởi vậy, bất cứ một sự thay đổi nào ở đất nước này cũng sẽ có ảnh hưởng lan truyền tới khu vực. Trước tiên sẽ có thể là một thảm họa nhân đạo khi hàng triệu người Afghanistan sẽ phải bỏ quê hương đi lánh nạn ở các nước láng giềng. Tiếp đến là những nguy cơ an ninh, khủng bố theo sau các mối quan hệ chằng chịt tại khu vực. Một khi đất nước Afghanistan trở lại với vòng nội chiến và bạo lực, nơi đây sẽ trở thành trung tâm bất ổn không chỉ với các nước láng giềng.

Vòng xoáy bất ổn và “trò chơi quyền lực mới” ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân

VOV.VN - Bối cảnh chính trị trong nước khiến Mỹ quyết định rút quân khỏi Afghanistan sau cuộc chiến kéo dài gần 20 năm, bất chấp vô số rủi ro về an ninh và nhân đạo.

“Trò chơi quyền lực mới ở Afghanistan”

Với một quốc gia có vị trí chiến lược và là nơi ẩn chứa nhiều nguy cơ như Afghanistan, việc các các cường quốc, các nước láng giềng tranh thủ giành lấy lợi thế cho mình trong lúc biến động này cũng là điều tất yếu.

Trước tiên là Mỹ, việc nước này rút hoàn toàn binh lính khỏi Afghanistan sau khi đã chi hơn 2.000 tỷ USD trong 20 năm qua và tổn thất sinh mạng của 2.200 binh lính rõ ràng là điều có thể hiểu được. Sau 20 năm đó, thế giới đã thay đổi và ưu tiên an ninh chiến lược của Mỹ giờ cũng đã thay đổi. Mỹ rút khỏi Afghanistan nhưng không có nghĩa rời bỏ khu vực này. Mỹ được cho là đang đàm phán với Pakistan và 3 quốc gia Trung Á là Kazakhstan, Tajikistan và Uzbekistan để có thể tái phân bổ lực lượng an ninh tới đây. Đây là một cách để giám sát tình hình Afghanistan trong trường hợp có các biến động không có lợi cho Mỹ; nhưng cũng đồng thời là chiến thuật của Mỹ để tạo cục diện mới có lợi cho mình. Đó là áp sát khu vực ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc, với việc xuất hiện ở các nước trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể.

Còn với Nga, nước này hiện cũng đang quan tâm tới tình hình Afghanistan và đã từng đăng cai tổ chức một hội nghị hòa bình về Afghanistan hồi đầu năm nay. Bởi dù sao, bất ổn tại Afghanistan cũng có thể kéo theo làn sóng khủng bố Hồi giáo cực đoan ở Nga cũng như các đồng minh.

Trung Quốc cũng là một nhân tố cần được nhắc tới trong thế trận mới ở Afghanistan. Việc quốc gia Nam Á này trở lại với vòng bạo lực là tín hiệu không hề tốt cho Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Trung Quốc đang triển khai ở đây. Pakistan cũng là nhân tố không thể bỏ qua với những mối quan hệ phức tạp và ảnh hưởng với Taliban. Bộ máy lãnh đạo của Taliban hiện vẫn đang ẩn náu và hoạt động tại Pakistan, trong khi lực lượng nòng cốt của Taliban cũng được huấn luyện tại nước láng giềng.

Ngoài ra, nhiều láng giềng khu vực khác như Iran, Ấn Độ cũng sẽ theo dõi sát những biến chuyển trên thực địa ở Afghanistan. Tình hình tại Afghanistan là bài toán giữa Taliban và lực lượng chính phủ, nhưng không thể bỏ qua các yếu tố bên ngoài vốn từng chi phối mạnh cục diện ở chiến trường Nam Á này./.

Vòng xoáy bất ổn và “trò chơi quyền lực mới” ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân

VOV.VN - Trung Quốc được cho là đang suy tính các bước nhằm mở rộng ảnh hưởng và lấp đầy khoảng trống của Mỹ tại Afghanistan một khi quân đội Mỹ và NATO rút hết quốc gia này.