Trong suốt 20 năm chuyển đổi lên chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam từng chứng kiến không ít lần các CLB bỗng nhiên biến mất khỏi V.League khiến tất cả ngỡ ngàng.
 
Chuyện cũ lặp lại
 
Tối 5/8, dư luận xôn xao trước việc CLB Thanh Hóa gửi công văn tới VFF và VPF, bày tỏ quan điểm sẽ không tiếp tục tham gia các trận đấu còn lại của V.League 2020 do không biết thời điểm chính thức trở lại, trong hoàn cảnh đội bóng đang gặp khó khăn về tài chính để duy trì hoạt động.
 
Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ của CLB Thanh Hóa sau đó khẳng định không có chuyện đội bóng này cố tình gây khó dễ, hay vòi tiền hỗ trợ, mà quan trọng là VFF, VPF phải có quyết sách để "giải cứu CLB, giải cứu cầu thủ" trong hoàn cảnh V.League 2020 phải hoãn lần 2 vì dịch Covid-19.
 
Sau một vài mùa tạm ổn định, câu chuyện có đội bóng đòi bỏ giải ở V.League bỗng nhiên lại nóng lên. Và dĩ nhiên khác với một vài tuyên bố miệng của các đội bóng khác trước đây, CLB Thanh Hóa đã gửi hẳn công văn đi chứng tỏ họ không chỉ nói cho vui.
 

 
Bầu Đệ (bên trái) không chỉ nói suông về chuyện Thanh Hóa bỏ giải.
 
Nhìn lại quá khứ, câu chuyện đội bóng tuyên bố bỏ giải luôn mang lắm nỗi bi hài. Vào thời điểm đầu những năm 2000, bóng đá Việt Nam chứng kiến bước chuyển mình mạnh mẽ. Các đội bóng theo quy định phải dần chuyển sang mô hình doanh nghiệp, tạo tiền đề cho những ông bầu bước vào cuộc chơi "đốt tiền". Nhiều tên tuổi một thời như Thể Công, Cảng Sài Gòn, Công An Hà Nội… không thể tiếp tục tồn tại và phải chấp nhận cảnh bị giải thể, mất phiên hiệu rồi chuyển giao.
 
Thế nhưng ngay với những đội bóng mới được hình thành sau những cuộc chuyển giao đó, dù mang trên mình mác "chuyên nghiệp", số phận cũng lận đận chẳng kém. Với một nền bóng đá mà các đội bóng sống chủ yếu phụ thuộc vào các ông bầu, chuyện bỗng một ngày cái tên của họ biến mất khỏi bản đồ V.League lâu dần người ta cũng thấy chẳng ngạc nhiên nữa. Bởi thế mới có chuyện, đã có không ít CLB được thành lập, đầu tư, rồi bất ngờ tuyên bố bỏ giải, giải thể chỉ bởi vì ý thích của những ông bầu.

Bầu Long, bầu Tuấn chán bóng đá sau khi đội bị trọng tài ép
 
Năm 2003, cái tên Hòa Phát Hà Nội bắt đầu xuất hiện trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Thời điểm đó, Hàng không Việt Nam (được chuyển giao từ đội CAHN) và LG.ACB sát nhập lấy tên là LG Hà Nội ACB, đá ở V.League. Các cầu thủ còn lại của hai đội này gộp thành Hòa Phát Hà Nội đá ở hạng Nhất.
 
Theo tính toán, trong 8 năm tồn tại, lãnh đạo CLB Hòa Phát Hà Nội đã chi ra khoảng 40 tỷ đồng/năm để làm bóng đá tuy nhiên không thu về được nhiều thành công. Đội bóng này chỉ loanh quanh ở nhóm dưới, vất vả lo trụ hạng, xuống rồi lại lên.
 
 
Bầu Long (trái) và bầu Tuấn.
 
Đến mùa 2011, dù CLB còn hạn chế về chuyên môn nhưng theo Ban lãnh đạo Hòa Phát, việc họ bị trọng tài thổi ép là nguyên nhân không nhỏ khiến đội này đì đẹt. Theo thống kê của Hòa Phát, 75% các trận đấu trên sân khách, họ phải nhận thẻ đỏ, trong đó có những chiếc thẻ không đáng có.
 
Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi ở vòng 23, trọng tài Trần Công Trọng "đè ngửa" Hòa Phát Hà Nội ra mà thổi, có nhiều tình huống thiên vị một cách trắng trợn đội chủ nhà Hải Phòng, dẫn đến kết quả đội khách thua 1-2 và đứng trước nguy cơ lớn phải xuống hạng. Quá bức xúc, Hòa Phát Hà Nội tuyên bố sẽ bỏ giải.
 
Dù mọi việc sau đó được BTC V.League thu xếp ổn thỏa, trọng tài Trần Công Trọng bị treo còi vĩnh viễn, đồng thời Hòa Phát Hà Nội trụ hạng thành công, nhưng bầu Tuấn và bầu Long của đội bóng này vẫn tuyên bố bỏ bóng đá.
 
Toàn bộ cơ sơ vật chất và con người của CLB Hòa Phát Hà Nội được chuyển giao cho Hà Nội ACB của bầu Kiên và được hợp nhất dưới cái tên mới: Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội. Tuy nhiên sau khi mùa giải 2012 kết thúc, việc bầu Kiên vướng vào vòng lao lý khiến cho đội bóng này cũng bị giải thể nốt.

Liên tiếp hai đội bóng "Sài Gòn" biến mất
 
Cũng trong năm 2012, người hâm mộ còn phải chứng kiến thêm những đội bóng nữa biến mất. Đầu tiên là Navibank Sài Gòn.
 
Mùa giải 2010, bầu Thọ (Nguyễn Vĩnh Thọ) chơi lớn khi chi ra 15 tỷ đồng để mang đội Quân khu 4 vào TP.HCM thi đấu tại V.League và đổi tên thành Navibank Sài Gòn. Ông bầu này cũng không ngần ngại chi hơn 80 tỷ đồng để thuê Trung tâm huấn luyện Công an quận 5 hòng có cơ sở vật chất tốt cho toàn đội rèn luyện, đồng thời tăng chế độ lương thưởng cho cả đội lên mức cao bậc nhất V.League.
 
Đến V.League 2011, hàng loạt bản hợp đồng bom tấn được Navibank Sài Gòn thực hiện, như chiêu mộ Quang Hải (9 tỷ đồng), Tài Em (7 tỷ), Duy Khanh, Được Em (12 tỷ)... Bầu Thọ sau này cho biết trong quãng thời gian "chơi" bóng đá của mình (2010-2012), ông đã chi gần 300 tỷ đồng.


 
Navibank Sài Gòn không tiếc tiền mua sao.
 
Tuy nhiên trong cả 3 mùa giải, dù được đầu tư rất nhiều tiền nhưng Navibank Sài Gòn chưa bao giờ mang vị thế của một đội bóng lớn mà chỉ quanh quẩn ở nhóm dưới. Không biết có phải vì quá thất vọng hay không mà đến tháng 9/2012, bầu Thọ quyết định "bỏ của chạy lấy người". Nhiều tháng tiền lương, thưởng của cầu thủ vẫn chưa được thanh toán nhưng không ai có thể gọi được cho ông bầu này bởi điện thoại luôn tắt.
 
Sau nhiều lời kêu cứu của các cầu thủ với truyền thông, bầu Thọ cuối cùng cũng xuất hiện. Buồn thay động thái của ông bầu này lại là gửi một bức "tâm thư" đến LĐBĐ TP.HCM, bày tỏ việc Navibank không đủ tài chính để tiếp tục nuôi CLB, nên muốn trả về cho LĐBD TP.HCM.
 
Trước đó, Navibank thực ra đã muốn chuyển giao CLB cho đội hạng nhất Bình Định, nhưng đội này cũng không dám nhận vì tài chính không đủ. Sau đó, Navibank liên hệ với Đồng Tháp, CLB vừa xuống hạng Nhất nhưng rồi cũng không thể đạt được thỏa thuận hợp lý.


 
Đội bóng của bầu Thọ xuất hiện rồi biến mất một cách chóng vánh trên bản đồ bóng đá Việt Nam.
 
Sau khi bầu Thọ tuyên bố bỏ bóng đá, Navibank Sài Gòn tưởng đã đổi phận với việc được công ty Xuân Thủy của nhà bầu Thụy mua về với giá 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty Xuân Thủy chỉ mua với mục đích thương mại chứ không đầu tư vào đội. Sau khi Hải Phòng từ chối mua lại, bầu Thụy định đưa Navibank Sài Gòn về Hà Tĩnh nhưng lãnh đạo địa phương này cũng không nhận.
 
Trong suốt hai tháng tiếp theo, Giám đốc điều hành CLB Sài Gòn Xuân Thành Trần Tiến Đại, người được bầu Thụy giao nhiệm vụ tìm kiếm đối tác chuyển giao đội bóng để sớm đăng ký mùa giải mới với VPF trước ngày 8/12/2012. Navibank Sài Gòn được rao bán rẻ mạt từ 10 xuống 5 tỷ đồng mà chẳng doanh nghiệp nào mua. Liên đoàn bóng đá TP HCM cũng không giữ lại CLB này. Chẳng còn lựa chọn nào khác, đội bóng này đành chấp nhận giải thể.
 
Một đội bóng khác cũng biến mất sau V.League 2012 là Khatoco Khánh Hòa. Dù trụ hạng nhưng do công ty Khánh Việt thực hiện tái cơ cấu, không được đầu tư tiếp cho bóng đá nên đội bóng này đành giải thể, bán lại suất tham dự V.League đồng thời chuyển giao lực lượng cho Hải Phòng. Bóng đá Khánh Hòa gây dựng lại từ đầu và rồi trở lại V.League vào năm 2015. Tuy nhiên đến mùa giải 2019, đội bóng này đã bị xuống hạng.


 
Quang Hải và đồng đội bỗng nhiên phải chuyển ra Hải Phòng vì đội bóng bị chuyển giao.
 
Chỉ một năm sau, đến lượt Sài Gòn Xuân Thành cũng rơi vào cảnh tương tự vì ông chủ chán bóng đá và ngừng đầu tư.
 
Sau khi không thể vô địch V.League 2012, bầu Thụy dường như đã chán nản và quyết định nhường ghế chủ tịch CLB lại cho bầu Thủy (em trai, lúc này mới 24 tuổi). Ngay đầu mùa 2013, Sài Gòn Xuân Thành đã vướng vào nghi án bán độ ở trận Siêu cúp với Đà Nẵng, xuất phát từ một tin nhắn nặc danh. Bầu Thụy dù đã từ chức, vẫn nhảy vào đòi giải tán đội bóng vì bất mãn. Tuy nhiên bầu Thủy đã bình tĩnh hơn và tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để chứng minh đội bóng của mình vô tội.
 
Thế nhưng với một nền tảng bất ổn như vậy, Sài Gòn Xuân Thành đã không thể tồn tại được đến hết mùa giải. Sau trận thua 1-3 trước Kiên Giang ở vòng 19 V.League 2013, đội bóng này phải nhận án phạt trừ 4 điểm. VFF nhận định Sài Gòn Xuân Thành đã có nhiều trận thi đấu với biểu hiện thiếu tích cực và buộc phải mạnh tay để răn đe.
 
Chỉ có điều án phạt mạnh tay này đã trở thành giọt nước làm tràn ly. Anh em bầu Thụy, bầu Thủy rất nhanh chóng quyết định giải tán đội bóng, bất chấp việc V.League 2013 vẫn chưa kết thúc.


 
Anh em bầu Thụy, bầu Thủy sớm rút lui khỏi bóng đá Việt Nam.

Và những vụ giải thể liên tục sau đó
 
Kết thúc mùa giải 2013, do Sài Gòn Xuân Thành bỏ giải giữa chừng nên BTC V.League quyết định giải đấu năm đó sẽ không có suất xuống hạng. Thế nhưng do nhà tài trợ rút lui, Kiên Giang gặp khó khăn về kinh phí, lãnh đạo tỉnh cũng không tiếp tục cấp ngân sách vì khó khăn kinh tế nên đội bóng này đã không đăng ký dự V.League 2014 rồi giải thể.
 
Đây là điều đã được dự báo từ trước khi mùa giải mới bắt đầu, với tình trạng các cầu thủ bị nợ lương, thưởng, lót tay kéo dài và phải vất vả đòi nợ đội bóng sau khi V.League 2013 khép lại.
 
Sang năm 2014, một đội bóng miền Tây Nam Bộ khác là An Giang cũng bị giải thể. Sau khi thua Cần Thơ 0-3 ở trận play-off và phải xuống hạng, UBND tỉnh An Giang đã quyết định giải tán đội bóng sau cuộc họp cuộc họp với Sở VH-TT-DL An Giang và nhà tài trợ đội bóng là công ty Hùng Vương An Giang. Nguyên nhân một phần cũng bởi đến khi mùa giải kết thúc, nhà tài trợ vẫn còn nợ 10,8 tỷ đồng hứa đầu tư nhưng chưa giải ngân. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến đội bóng thi đấu sa sút dẫn đến xuống hạng.
 
Chuyện này lặp lại vào năm 2015 khi Đồng Nai bị xuống hạng, nhưng quyết định không tham gia giải hạng Nhất 2016 và tạm thời biến mất trên bản đồ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
 
Còn giải thể vì lý do lạ nhất thì phải nhắc đến Ninh Bình. Sau nhiều năm đổ rất nhiều tiền vào bóng đá, bầu Trường khiến tất cả phải bất ngờ khi tự khui ra tiêu cực ở đội bóng của mình ngay đầu mùa giải 2014, dẫn đến việc 9 cầu thủ Ninh Bình tham gia dàn xếp tỉ số và cá độ phải ra tòa chịu xét xử.
 
"Chúng tôi buộc phải đi đến quyết định rất đau lòng là tạm dừng chứ không phải giải thể đội bóng. Bởi cơ quan điều tra đã phát hiện ra rất nhiều cầu thủ đã dính đến tiêu cực không chỉ ở AFC Cup mà còn tại V.League. Đau lòng nhưng vẫn phải làm để trả lại sự trong sạch cho bóng đá Việt Nam", bầu Trường giãi bầy.
 
Vụ việc khiến Ninh Bình xin tự rút lui giữa chừng và bị xóa tên khỏi V.League. Điều này khiến Trường bị phạt cấm tham gia các hoạt động bóng đá trong 5 năm, còn CLB phải chịu phạt 100 triệu đồng và chuyển xuống hạng 3 chơi bóng. Tuy nhiên sau vụ việc này, Ninh Bình đã tạm thời rút lui không thi đấu.