Cụ thể, Vietnam Airlines cho biết đã hoàn thành Đề án cơ cấu giai đoạn 2021-2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong đề án, năm 2022 Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi, nhanh chóng phục hồi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Vietnam Airlines tin tưởng hoạt động kinh doanh đã từng bước ổn định và đang chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển trong thời gian tới.
Hồi tháng 9, HoSE cũng đã có văn bản lưu ý về khả năng hủy niêm yết hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN. Trong văn bản công bố sau đó, Vietnam Airlines vẫn tự tin rằng sẽ cố gắng bằng mọi giải pháp để duy trì việc niêm yết cổ phiếu HVN trên sàn HoSE.
Quý 3 vừa qua, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần đạt 21.156 tỷ đồng, gấp gần 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Lãi gộp đạt mức 165 tỷ đồng, đây là quý đầu tiên dương kể từ năm 2021 HVN ghi nhận con số lợi nhuận gộp dương.
Tuy nhiên, các loại chi phí cũng tăng vọt, đặc biệt là chi phí tài chính tăng đột biến lên 1.464 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá gần 1.100 tỷ.
Kết quả, hãng hàng không này báo lỗ sau thuế 2.546 tỷ đồng, dù vậy tích cực so với con số 2.932 tỷ đồng của cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, HVN mang về hơn 51.107 tỷ đồng doanh thu, tăng 173% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 7.784 tỷ đồng, giảm lỗ 4.370 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Như vậy tổng mức lỗ lũy kế tại ngày 30/9 được nâng lên mức 31.547 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 7.510 tỷ đồng./.