Doanh thu thuần trong quý 2/2022 của Vietjet (VJC) đạt 11.590 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ năm ngoái và bắt đầu có lợi nhuận gộp ở mức 1.127 tỷ đồng sau nhiều kỳ kinh doanh dưới giá vốn.
Nguồn thu của Vietjet không chỉ đến từ việc bán vé máy bay mà còn từ cước vận tải hàng hóa; chuyển quyền sở hữu và thương mại các tàu bay, động cơ; các hoạt động phụ trợ như bán đồ ăn, đồ uống và vật lưu niệm trên chuyến bay, …
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp không có thay đổi đột biến so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính lao dốc 86% chỉ còn 238 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu từ chuyển nhượng cổ phần ở doanh nghiệp khác giảm sút, bên cạnh đó nguồn thu từ cho vay chỉ còn 50 tỷ từ mức 132 tỷ cùng kỳ.
Song song đó, chi phí tài chính vọt lên 777 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ. Trong đó, dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và tổn thất đầu tư là 260 tỷ.
Theo thuyết minh, hãng bay của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đầu tư 990 tỷ đồng vào 50 triệu cổ phiếu OIL của Tổng Công ty dầu Việt Nam và thua lỗ đến 370 tỷ đồng, ứng với lỗ 37%.
Khoản lãi vay gia tăng gấp 2,3 lần lên 343 tỷ đồng do khoản vay nợ ngắn và dài hạn gia tăng 3.300 tỷ đồng.
Tuy hoạt động tài chính diễn biến bất lợi hơn so với cùng kỳ nhưng do lợi nhuận gộp từ lĩnh vực kinh doanh chính khởi sắc nên Vietjet vẫn có lãi sau thuế 181 tỷ đồng, gấp hơn 40 lần quý 2/2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietjet ghi nhận doanh thu 16.112 tỷ và lợi nhuận sau thuế 426 tỷ, lần lượt cao gấp 2,1 lần và 3,5 lần cùng kỳ./.