Số ca mắc có xu hướng tăng trở lại nhưng người dân sau khi tiêm vắc xin mũi cơ bản và mắc COVID-19 có tâm lí chủ quan trong biện pháp chống dịch. Nhiều người dân không tiêm vắc xin mũi nhắc lại, không đeo khẩu trang khi tới các điểm công cộng…
Trong số hơn 30 mẫu được làm giải trình tự gene do Viện Pasteur TPHCM thực hiện trong tuần qua thì biến thể phụ BA.2 chiếm khoảng 30%. Số còn lại là BA.4, BA.5, đồng thời phát hiện thêm cả biến thể phụ BA.2.12.1. Biến thể BA.2.12.1 cũng có khả năng lẩn tránh miễn dịch nhưng ít hơn BA.4, BA.5.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết những ngày vừa qua, Việt Nam ghi nhận trung bình khoảng 900 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày, riêng ngày 20/7 ghi nhận trên 1.000 (1.185 ca). Do đó, hệ thống y tế cần cảnh giác, không được chủ quan. Ngoài ra, trong cộng đồng nhiều người dân sau khi đã tiêm mũi cơ bản hoặc đã mắc COVID-19 có tâm lí chủ quan.
Theo TS Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa kiểm soát Bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), kết quả giải trình tự gene, trong số hơn 360 mẫu được giám sát từ đầu năm tại miền Bắc, phát hiện chủ yếu là chủng Omicron. Từ tháng 6, khu vực này phát hiện thêm biến thể phụ của Omicron là BA.5 tại Hà Nội, và sau đó là tại Cao Bằng, Thái Bình, Nghệ An và Hải Dương.
TS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết số ca mắc COVID-19 cho hay những tuần trước biến thể phụ BA.2 chiếm chủ yếu tại khu vực phía Nam. Tuy nhiên, gần 1 tháng tuần gần đây lại xuất hiện ổ dịch của chủng Delta làm tăng số ca mắc. Cụ thể tuần vừa rồi, trong số hơn 30 mẫu được làm giải trình tự gene thì biến thể phụ BA.2 chiếm khoảng 30%, còn lại là BA.4, BA.5, đồng thời phát hiện thêm cả biến thể phụ BA.2.12.1. Biến thể BA.2.12.1 cũng có khả năng lẩn tránh miễn dịch nhưng ít hơn BA.4, BA.5.
Theo chuyên gia, hiện nay biến thể phụ BA.4, BA.5 đang dần chiếm tỉ lệ cao cùng biến thể phụ B.A.2. Theo y văn thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 đều có khả năng lẩn tránh miễn dịch.
Việc tăng tỉ lệ nhiễm BA.2.12.1, BA.4 và BA.5 đi kèm với tăng mắc mới. Ở một số quốc gia, sự gia tăng ca bệnh cũng dẫn đến sự gia tăng số ca nhập viện, nhập hồi sức cấp cứu và tử vong. Theo tính toán BA.4 và BA.5 có khả năng lẩn tránh miễn dịch tốt hơn so với biến thể gốc của Omicron; có hiệu giá kháng thể trung hòa thấp hơn khoảng 7,5 lần so với BA.1 và có khả năng kháng với kháng thể vắc xin cao gấp 3-4 lần so với các biến thể cũ của Omicron. Biến thể phụ BA.2.12.1 tăng 1.8 lần khả năng kháng với kháng thể tạo ra từ vắc xin so với BA.2.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến thể BA.2.12.1 - có khả năng lây lan cao hơn khoảng 25% so với biến thể phụ BA.2 cũng của Omicron vốn đang chiếm ưu thế chủ đạo tại Mỹ. Cơ quan này thông tin biến thể phụ này đặc biệt lây lan nhanh ở vùng Đông Bắc, là nguyên nhân gây ra phần lớn các ca nhiễm mới.
BA.5 Omicron vẫn là dòng ưu thế
Thống kê hằng tuần của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy số ca COVID-19 ở khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO cao hơn 37% so với số ca mới tuần trước, trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc và Lào tăng trên 100%.
Cũng trong tuần lễ này, 200.845 trình tự gene SARS-CoV-2 được giải mã để giám sát cũng đã được gửi tới cơ sở dữ liệu toàn cầu GISAID. Thống kê của WHO cho thấy biến chủng phụ BA.5 của Omicron vẫn chiếm ưu thế toàn cầu với tỉ lệ 53,59%. BA.4 hay song hành với nó chiếm 10,57%, trong khi BA.2.12.1 chỉ còn 4,51% và BA.2 chỉ còn 2,61%.
Tuy ít về tỉ lệ trong số các trình tự gene được thống kê, nhưng BA.2.75 gây chú ý vì đã xuất hiện ở 15 quốc gia, tuy nhiên WHO không nêu rõ những quốc gia nào.
BA.2.75 được ghi nhận cách đây không lâu tại Ấn Độ, mang nhiều đột biến thoát miễn dịch và có những biểu hiện cho thấy nó lây nhanh, nên được các nhà khoa học cảnh giác và theo dõi chặt chẽ vì lo ngại nó có thể trở thành một dòng ưu thế mới./.