Theo thống kê mới nhất, tại Việt Nam cứ 111,5 bé trai chào đời mới có 100 bé gái, thậm chí một số địa phương đang vượt con số 115/100 hoặc cao hơn.
 
"Mỗi năm Việt Nam thiếu hụt 40.800 bé gái - 40.800 bé gái không có cơ hội chào đời vì mang giới tính nữ" - theo số liệu tính toán của Dân số Liên Hiệp Quốc trên báo Tuổi Trẻ.


 
Trong 5 - 10 năm nữa, khả năng hơn 40.000 nam giới không lấy được vợ và phải "nhập khẩu cô dâu". Ảnh minh họa.
 
Trước thực trạng này, dự báo trong tương lai gần, khả năng Việt Nam sẽ bước đầu rơi vào giai đoạn dư thừa nam giới, dẫn đến hàng loạt các hệ lụy xã hội do thiếu nữ, thừa nam giống các quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc.
 
Theo thống kê, sau nhiều năm thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình và chính sách gia đình, hiện tại đã có 21 tỉnh thành đang sinh đẻ ít hơn mức sinh thay thế. Cụ thể, TP.HCM nằm trong số các địa phương đẻ ít nhất nước, có năm xuống dưới 1,3 con/bà mẹ thay vì 2 con/bà mẹ.
 
Dự báo, vào năm 2030, dân số Việt Nam sẽ lên mức 104 triệu người, tăng hơn 8 triệu người so với thời điểm hiện tại. Như vậy, việc đẻ ít chưa đáng ngại bằng những vấn đề đang hiện hữu, trong đó có chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ được sàng lọc trước sinh, sơ sinh để phòng ngừa dị tật).
 
Tuy tỷ lệ chênh lệch giới tính ở hiện tại là mức báo động cho tương lai gần, song hậu quả cũng phải 5 - 10 năm nữa. Nếu ngày đó đến, mỗi năm sẽ có hơn 40.000 nam giới không lấy được vợ và phải "nhập khẩu cô dâu".
 
Như VTV đã đưa tin trước đó, ngày 13/11, Tổng cục Dân số & Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã phối hợp với Sở Y tế tỉnh Trà Vinh và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Trà Vinh tổ chức buổi tọa đàm về việc mất cân bằng giới tính khi sinh, dựa trên cuộc khảo sát 200 phụ nữ, cộng tác viên dân số thuộc tỉnh Trà Vinh.


 
Tổng cục Thống kê dự báo, ước tính đến năm 2026, nước ta sẽ dư thừa khoảng 1,38 triệu nam giới. Ảnh minh họa
 
Theo Tổng cục Dân số, ước tính đến năm 2026, Việt Nam sẽ dư thừa khoảng 1,38 triệu nam giới. Nguyên nhân hàng đầu là do tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại; chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo; lạm dụng tiến bộ y học để chọn lọc giới tính trước khi sinh; áp lực giảm sinh,... gây nhiều hệ lụy cho xã hội như thừa nam, thiếu nữ ở độ tuổi kết hôn, sinh con. Đồng thời, gây ra bất bình đẳng giới và bạo lực giới; giảm chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.
 
Bên cạnh đó, một vấn đề đáng báo động khác đó là thực trạng phá thai vì muốn lựa chọn giới tính khi sinh. Để giảm thiểu vấn nạn này, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục của Bộ Y tế - bác sĩ Mai Xuân Phương kiến nghị các cấp, ban ngành, địa phương thực hiện tốt chính sách dân số; tăng cường công tác tuyên truyền ở mỗi địa phương để nâng cao nhận thức người dân; bài trừ vấn nạn bất bình đẳng giới và đảm bảo các quyền của con người.../.