Không phải đến bây giờ, mục tiêu dự World Cup 2026 của bóng đá Việt Nam đã được đề cập từ năm 2017, thời điểm FIFA thông qua đề xuất tăng số đội từ 32 lên 48 ở kỳ World Cup thứ 23. Không còn bị giới hạn ở 4 suất tham dự, châu Á sẽ có 8,5 đội góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Việc tăng số đội chắc chắn làm loãng chất lượng giải đấu. Như tại World Cup 2018, châu Phi, châu Á và khu vực CONCACAF có 13 đại diện tham dự. Tất cả chỉ thắng 10 trận, và Mexico, Nhật Bản là hai đội hiếm hoi vào đến vòng 1/8. Cả hai đã tạo nên màn trình diễn đầy cố gắng, nhất là sự quật khởi của các Chiến binh Samurai xanh trước Bỉ. Thế nhưng họ không thể đi xa hơn.
World Cup vẫn là cuộc chơi của châu Âu và Nam Mỹ. Chiến thắng 6-1 của Anh trước Panama, hay màn hủy diệt của Nga trước Saudi Arabia (5-0) là sự nhắc nhở về những gì sẽ xảy ra khi World Cup chào đón thêm những cái tên mới đến từ các khu vực khiêm tốn.
Tuy nhiên với các nền bóng đá ít phát triển, ít ai quan tâm đến điều đó. Dự World Cup luôn là một giấc mơ và việc giải đấu mở rộng mang đến cơ hội tuyệt vời để tham gia vào bữa tiệc. Không chỉ Việt Nam, rất nhiều quốc gia cũng đặt mục tiêu xuất hiện ở World Cup 2026. Từ Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan ở châu Á đến cả Guyana, quốc gia nhỏ bé với hơn 700 ngàn dân vốn thích cricket và đua ngựa, đồng thời xếp thứ 176 trên BXH FIFA cũng bắt đầu mơ mộng. Vậy cơ hội nào cho Việt Nam?
Trở lại thời điểm năm 2017, giấc mơ chỉ là giấc mơ bởi Việt Nam chưa bao giờ đi đến vòng loại thứ ba World Cup khu vực châu Á, 1 lần dự Asian Cup nhờ quyền đồng chủ nhà và vừa dừng bước ở bán kết AFF Cup 2016 trước đối thủ Indonesia. Nhưng bây giờ mục tiêu trông khả thi hơn. Những năm qua chúng ta đã tiến một bước dài, lọt vào tứ kết Asian Cup 2019 và lần đầu góp mặt ở vòng loại thứ ba World Cup 2022.
Tuy nhiên, việc thất bại trong cả 6 trận trước các đội bóng hàng đầu châu lục nhắc nhở về khoảng cách không thể san lấp trong một sớm một chiều. Chơi với đội ngũ tốt nhất mà chúng ta có, đồng thời thể hiện quyết tâm cao nhất trong mỗi phút, song khác biệt về đẳng cấp đã ngăn thầy trò HLV Park Hang-seo giành được dù chỉ 1 điểm.
Nhiều năm nay châu Á duy trì định dạng 4 vòng loại để giành vé tới World Cup. Điều này khiến yếu tố bất ngờ bị triệt tiêu. Những cú sốc nho nhỏ đôi khi xảy ra, nhưng nó chỉ dừng lại ở việc vào đến vòng loại thứ 3 World Cup, như Việt Nam 2022, Thái Lan 2018, 2002, Bahrain 2010 và Kuwait 2006.
So với các châu lục khác, suất dự World Cup của châu Á rất ít biến động. Nó thường thuộc về Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Saudi Arabia và Iran. Ở châu Phi, những cái tên giành vé liên tục thay đổi và bất ngờ cũng hay xảy ra ở châu Âu, bởi cơ cấu vòng loại đơn giản, cùng như số trận mà một đội phải chơi ít hơn. Tại châu Á, nếu một đội đi từ vòng thứ nhất đến lúc giành vé từ trận play-off với khu vực khác, họ phải chơi tổng cộng 24 trận. Không đội nào có thể tạo nên kỳ tích, liên tục vượt qua giới hạn bản thân với từng ấy trận.
Khi suất dự tăng lên thành 8,5, định dạng vòng loại đương nhiên sẽ thay đổi. Một trong những đề xuất là 45 đội chia thành 8 bảng và 8 vé thuộc về 8 đội đứng đầu, trong khi các đội nhì bảng bước vào vòng loại cuối tranh suất play-off. Nếu áp dụng mô hình này, hoặc mô hình khác nhỏ gọn hơn, Việt Nam và nhiều đội khác thực sự có cơ hội.
Tất nhiên, cùng với đó là một kế hoạch chi tiết để hiện thực hóa mục tiêu. Chúng ta cần nhiều tài năng hơn nữa, thay vì dựa vào một nhóm được tối ưu như chiến dịch vòng loại World Cup 2022. Việc Thái Lan sử dụng đội U19 cho giải U23 Đông Nam Á có thể là một phần trong kế hoạch của họ. Vậy Việt Nam thì sao?./.