Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát và cấm ngay việc thực hiện nhiệm vụ bay của toàn bộ phi công quốc tịch Pakistan, phi công người nước ngoài (đang làm việc cho các hãng hàng không Việt Nam) sử dụng bằng cấp, chứng chỉ (nghi vấn giả mạo) do Pakistan cấp.
 
Ngay sau khi Pakistan công bố tình trạng phi công dùng bằng giả, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam rà soát, đánh giá lực lượng phi công người nước ngoài đang làm việc cho các hãng hàng không c ủa Việt Nam.
 
Trước những thông tin về việc Nhà chức trách hàng không Pakistan phát hiện hơn 250 phi công Pakistan dùng bằng lái máy bay giả mạo và để đảm bảo tuyệt đối an toàn hàng không, trong văn bản phát đi hôm nay 27-6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát và cấm ngay việc thực hiện nhiệm vụ bay của toàn bộ các phi công quốc tịch Pakistan, phi công người nước ngoài (đang làm việc cho các hãng hàng không Việt Nam) sử dụng bằng cấp, chứng chỉ (nghi vấn giả mạo) do Pakistan cấp.
 
Cục Hàng không Việt Nam cũng được yêu cầu rà soát, tạm dừng nhiệm vụ bay đối với các phi công quốc tịch Pakistan đang làm việc cho các hãng hàng không của Việt Nam để kiểm tra tính xác thực của bằng cấp, chứng chỉ.
 
Đồng thời, rà soát, xác minh tính xác thực đối với bằng cấp, chứng chỉ của tất cả các phi công người nước ngoài đang làm việc cho các hãng hàng không Việt Nam và xử lý đối với các trường hợp có dấu hiệu sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả mạo.
 
Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương thực hiện và báo cáo kết quả rà soát, xử lý về Bộ GTVT trước ngày 31-7-2020.
 
Trước đó, ngày 24-6, trong cuộc họp tại Quốc hội Pakistan báo cáo kết quả điều tra vụ rơi máy bay của hãng Hàng không Quốc tế Pakistan (PIA) hôm 22-5, Bộ trưởng Hàng không nước này Ghulam Sarwar Khan xác nhận thông tin khoảng 260 người, tức 1/3 số phi công của các hãng hàng không Pakistan, đã dùng tiền thuê người thi hộ, trong các cuộc thi sát hạch để cấp bằng lái máy bay. Pakistan hiện có khoảng 850 phi công đang làm việc cho các hãng hàng không nội địa.
 
Chiếc máy bay Airbus A320 gặp nạn đang trên đường từ TP Lahore tới TP Karachi. Chiếc máy bay đã lao vào một khu dân cư nằm cạnh sân bay quốc tế Jinnah khiến 91 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Lỗi của phi công là yếu tố trực tiếp dẫn tới vụ tai nạn này. Phi công chiếc máy bay Airbus-A320 khi đó được cho là đang mải nói chuyện về virus SARS-CoV-2. Các phi công đã "quá tự tin và thiếu tập trung" trong cả chuyến bay. Họ cũng phớt lờ hướng dẫn của kiểm soát không lưu và cơ quan quản lý hàng không.