Chiến lược mới của Mỹ với Nga - Trung
Đã xảy ra hàng loạt diễn biến đáng kể trong mối quan hệ của tam giác quyền lực Mỹ - Nga - Trung những tháng qua. Gần đây nhất, hôm 16/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham gia một cuộc họp Thượng đỉnh ở Geneva, Thụy Sĩ.
Một số nhà quan sát cho rằng việc ông Biden sẵn sàng gặp ông Putin trong khi chỉ một vài tuần trước đó lại tán thành với nhận định gọi nhà lãnh đạo Nga là "kẻ sát nhân", là một minh chứng cho thấy Washington muốn chia rẽ mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh.
Tuy nhiên, có phải Tổng thống Biden thực sự muốn tìm cách chia rẽ Nga - Trung hay không? Điều đó dường như là bất khả thi. Tổng thống Biden và đội ngũ của ông đủ thông minh để hiểu rằng Moscow và Bắc Kinh sẽ không bị chia rẽ bởi những chiến thuật như vậy.
Thay vì lao vào những nỗ lực vô vọng nhằm khai thác những khía cạnh đối đầu giữa Nga và Trung Quốc, chiến lược mới của Mỹ muốn tập trung ổn định quan hệ với Nga để có thể tập trung đối phó với Trung Quốc.
Thành công của chính sách "ổn định quan hệ với Nga" của Mỹ không được đảm bảo nhưng là một kế hoạch khả thi. Trước tiên, Nga dường như ít muốn đối đầu với phương Tây hơn so với thời điểm những năm 2010.
Hội nghị Thượng đỉnh Putin - Biden có thể được xem như một nỗ lực đạt được thỏa thuận không tiến hành các hành động hung hăng. Hiện còn quá sớm để nói rằng liệu nỗ lực này có thành công hay không nhưng dường như Washington có mong muốn thực hiện một thỏa thuận như vậy với Moscow.
Đầu tiên, điều này có thể thấy rõ qua việc Tổng thống Biden và Tổng thống Putin đều đưa ra tuyên bố về sự ổn định chiến lược. Thứ hai, hai bên đã thảo luận về an ninh mạng và có lẽ đạt được sự hiểu biết để không tấn công vào những cơ sở hạ tầng quan trọng của nhau.
Cuối cùng, Washington dường như muốn hoãn kế hoạch chấp nhận Ukraine gia nhập NATO, đồng thời cân nhắc đến việc duy trì tình trạng của nước này như một nước đệm. Chính những việc trên đã loại bỏ đi điểm bùng phát xung đột nguy hiểm nhất giữa Nga và Mỹ.
Địch thủ Nga – Mỹ và đối tác Nga - Trung
Trái lại, Tổng thống Biden không hề đề xuất thỏa thuận không hành động hung hăng với Trung Quốc. Một lý giải khả thi cho việc này, theo nhà quan sát Artyom Lukin nhận định trên SCMP là, Mỹ có lẽ coi cuộc chiến với Trung Quốc là viễn cảnh có khả năng xảy ra và thậm chí trong một vài thời điểm nào đó là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, một số diễn biến trong Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin ở Thụy Sĩ cho thấy Moscow và phương Tây sẽ tiếp tục coi nhau là địch thủ và việc nối lại quan hệ sẽ không phải điều dễ dàng.
Diễn ra gần như cùng thời điểm với Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã tổ chức các cuộc tập trận trên quy mô lớn ngoài khơi Hawaii. Đây là cuộc tập trận hải quân lớn đầu tiên của Nga tại Thái Bình Dương kể từ thời Liên Xô.
Ngày 23/6, là một phần trong cuộc tập trận của NATO trên Biển Đen, một tàu khu trục của Anh đã di chuyển tới vùng biển ngoài khơi gần Bán đảo Crimea. Điều này đã khiến Nga bắn cảnh báo và ném bom trên đường di chuyển của con tàu này.
Cũng trong thời gian này, Nga thể hiện mối quan hệ ngày càng sâu sắc với Trung Quốc. Cuối tháng 6/2021, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov trở thành thành viên nội các thứ hai của Nga thăm Trung Quốc kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, sau khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov có chuyến thăm tương tự hồi tháng 3. Chuyến công du này đã nhấn mạnh sự phụ thuộc ngày càng gia tăng của Nga vào việc hợp tác tài chính với Trung Quốc.
Tháng trước, Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức các cuộc trao đổi trực tuyến nhân kỷ niệm 20 năm Hiệp ước hợp tác thân thiện và láng giềng hữu nghị Nga - Trung. Một tuyên bố chung đã được đưa ra sau Hội nghị Thượng đỉnh này.
Tuyên bố chung trên đề cập đến việc quan hệ đối tác chiến lược Trung - Nga là một hình thức mới của mối quan hệ liên quốc gia, chứ "không phải liên minh chính trị - quân sự", song thực tế ở một mức độ "cao hơn" so với liên minh truyền thống thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Tuyên bố này cũng khẳng định sẽ tăng cường hợp tác quân sự Nga - Trung qua việc "thúc đẩy số lượng và quy mô các nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu chung".
Điều đáng chú ý là, hai bên đã dành gần 2 trang của tuyên bố chung cho vấn đề an ninh mạng. Moscow từ trước đã hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh về những vấn đề như internet và quản trị dữ liệu nhưng sự hợp tác này có lẽ đã đạt đến một giai đoạn mới.
Nhà quan sát Artyom Lukin cho rằng, không thể loại bỏ khả năng Nga ủng hộ sáng kiến của Trung Quốc về những tiêu chuẩn an ninh dữ liệu toàn cầu để đổi lấy sự công nhận của Trung Quốc trong tuyên bố chung về quyền lợi đặc biệt của Nga như một quốc gia ven Bắc Cực.
Đây dường như là lần đầu tiên Trung Quốc thừa nhận rõ ràng Tuyến Biển Bắc ở Bắc Băng Dương thuộc sự kiểm soát của Nga. Nếu ai đó chờ đợi xung đột Nga - Trung ở Bắc Cực, họ có lẽ sẽ thất vọng, nhà phân tích Artyom Lukin đánh giá.
Dù vậy, sự gần gũi chiến lược ngày càng gia tăng của Nga với Trung Quốc không đồng nghĩa với việc Moscow trở thành đối tác có vị trí thấp hơn Bắc Kinh. Trong khi tán thành với Trung Quốc về hầu hết những vấn đề quốc tế thì Nga cũng có tầm nhìn riêng về khu vực Á - Âu và đôi khi không hoàn toàn trùng khớp với Trung Quốc.
Tuyên bố chung của Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc đến Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc nhưng dự án này cũng được đặt song song với sáng kiến Đối tác Á - Âu Mở rộng của Nga. Điều này cho thấy Moscow không muốn sự hội nhập ở Á - Âu quá tập trung vào Trung Quốc và muốn một sự sắp xếp cân bằng hơn.
Mặc dù điện Kremlin thừa nhận thực tế ưu thế kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc nhưng Nga muốn duy trì một khu vực Á - Âu đa phương hơn khi nước này muốn xác lập vị trí như một nhân tố hòa giải chủ chốt về ngoại giao và chính trị trong khu vực./.