Hy vọng đổi đời và… thất vọng

Mỏ sắt Thạch Khê được tỉnh Hà Tĩnh phát hiện là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á từ những năm 60 của thế kỷ trước. Qua thăm dò đã xác định mỏ có trữ lượng 544 triệu tấn, chiếm hơn 1/2 trữ lượng quặng sắt toàn quốc. Dự án mỏ sắt Thạch Khê có diện tích gần 3.900 ha, nằm trên địa bàn 5 xã của huyện Thạch Hà, gồm Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 6.000 hộ dân với trên 25.000 nhân khẩu.

a-1653472201.jpg
Mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) sau khi bóc đất tầng phủ rồi dừng từ năm 2011 đến nay

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2004. Năm 2008, dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC), (Tập đoàn Than Khoáng Sản (TKV) nắm cổ phần chi phối) làm chủ đầu tư được triển khai. Dự án triển khai bóc đất tầng phủ vào năm 2009, đến năm 2011 thì dừng hẳn cho đến nay do thiếu vốn.

Nhà cách mỏ sắt Thạch Khê chỉ ít trăm mét, bà Nguyễn Thị Thanh (71 tuổi) trú thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn khi nghe thông tin Tập đoàn TKV vừa đề xuất tiếp tục khai thác mỏ sắt Thạch Khê, nói ngay: “Chúng tôi không muốn họ khai thác nữa. Cả gia đình tôi và người dân quanh đây đều lo ngại về dự án này. Tỉnh đề nghị dừng dự án cũng có lý của họ, vì đã hơn chục năm nay người dân sống yên ổn rồi, không muốn xáo trộn nữa…”.

Là hàng xóm với bà Thanh, ông Nguyễn Xuân Tuyên (70 tuổi) cũng chia sẻ quan điểm không muốn khai thác mỏ sắt Thạch Khê trở lại nữa. “Gia đình tôi nhận tiền đền bù tái định cư mỏ sắt đến đây, đã yên ổn sống ở đây. Giờ thấy họ nói hệ luỵ môi trường chúng tôi xuống đến đây rồi mà vẫn thấy hoang mang” – ông Tuyên bày tỏ.

b-1653472225.jpg
Bà Thanh ở xã Đỉnh Bàn mong dừng hẳn không khai thác mỏ sắt Thạch Khê nữa để dân sống yên ổn tại đây

Hơn chục năm trước, dự án mỏ sắt Thạch Khê có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được khởi công. “Chúng tôi vui mừng bao nhiêu bây giờ hụt hẫng bấy nhiêu, bởi công trình liên tục trễ hẹn. Nói chung nguyện vọng của dân nơi đây hầu hết là không muốn khai thác lại mỏ sắt Thạch Khê nữa và chúng tôi cũng muốn Chính phủ khẳng định là không khai thác nữa luôn để dân yên tâm sinh sống” - ông Lê Văn Thỉ ở xã Thạch Khê chia sẻ.

Ngày 24/5, trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Phan Xuân Mậu - Chủ tịch UBND xã Thạch Khê cho hay: Mỏ sắt nằm ngay trung tâm xã Thạch Khê, lâu nay người dân đã chịu nhiều hệ lụy, trong đó hàng năm bãi thải sau khi bóc đất tầng phủ của mỏ sắt vẫn trôi xuống ảnh hưởng đời sống người dân trong vùng. “Người dân và chính quyền xã Thạch Khê mong muốn dừng hẳn việc khai thác mỏ sắt. Bởi dự án này đã đình trệ đã gần 15 năm, người dân sống bất an, nhân dân phải “sống dở chết dở” vì vướng quy hoạch treo quá lâu…”, ông Mậu thông tin.

Ngoài ra, do vướng quy hoạch của mỏ sắt nên các xã vùng mỏ không có định hướng để phát triển kinh tế xã hội rõ ràng, gây khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển của địa phương. Ông Phan Xuân Mậu nói: “Xã chúng tôi vẫn giữ quan điểm đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê như trước đây đã từng đề nghị để tập trung phát triển kinh tế xã hội địa phương, không còn lo lắng, bất an vì vướng quy hoạch “treo” của dự án”.

Không yên tâm với công nghệ khai thác

Ngày 24/5, trao đổi với Báo Công Thương, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải giữ nguyên quan điểm là tỉnh đề nghị dừng khai thác mỏ sắt này mặc dù Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đầu năm 2022 đề xuất Chính phủ cho khai thác lại.

c-1653472258.jpg
Theo ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, "mặc dù TKV đề nghị khai thác nhưng Hà Tĩnh vẫn giữ quan điểm đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê”

“Nhiệm kỳ trước tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị Chính phủ dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê. Ban đầu khai thác mỏ sắt Thạch Khê người dân rất hào hứng. Dự án triển khai bóc đất tầng phủ vào năm 2009, đến năm 2011 thì dừng hẳn cho đến nay. Mặc dù TKV đề nghị khai thác nhưng Hà Tĩnh vẫn giữ quan điểm đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê” - ông Hải nói. Ông Hải cũng lo ngại về công nghệ khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa hiện đại, nếu với kiểu khai thác truyền thống sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn nước, môi trường.

Ông Võ Trọng Hải nhấn mạnh, “tỉnh Hà Tĩnh không đổi môi trường để lấy kinh tế. Đảng bộ nhân dân không đồng tình, khó đồng tình, còn quyền quyết định do Bộ Chính trị, và phải nhìn vào cái được và cái mất trong tương lai. Điều quan trọng, Tập đoàn phải xác định rõ hiệu quả kinh tế của dự án, mang lại lợi ích gì đất nước. Khi khai thác quặng bán đi đâu? Bán thô ra nước ngoài hay tự sản xuất? Họ phải tự trả lời với Bộ Chính trị với Chính phủ”.

Cũng theo ông Võ Trọng Hải, nhiều nhà khoa học nói rằng, khai thác với độ sâu trên 500m theo kiểu này rất nguy hiểm không chỉ cho vùng Thạch Khê mà còn cho địa bàn thành phố Hà Tĩnh. Nếu khai thác đổ ra biển, thì ảnh hưởng môi trường biển từ Quảng Bình ra đến Nghệ An. Dự án có nguy cơ gây ra sự suy giảm, thậm chí cạn kiệt nước ngầm, gây xâm nhập mặn, hoang mạc hóa, sạt lở đất ở phạm vi rộng.

Một số nguyên nhân khác mà tỉnh Hà Tĩnh đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê đó là phương thức vận chuyển quặng khó khả thi, hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn, thị trường tiêu thụ quặng sắt chưa chắc chắn.

Mặc dù quan điểm của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh như vậy nhưng theo Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ghi rõ: Nghiên cứu, lựa chọn công nghệ tiệm cận trình độ thế giới để đầu tư khai thác than nâu vùng đồng bằng Sông Hồng; đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến: Sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh); ti-tan (Bình Thuận), hoàn thành trước năm 2030.

Như vậy dự án khai thác, chế biến mỏ sắt Thạch Khê đã được ghi rõ và nêu tên trong nghị quyết của Bộ Chính trị; thậm chí còn ghi rõ thời gian hoàn thành trước năm 2030 vậy mà đến nay lãnh đạo địa phương này vẫn chỉ quan tâm tới việc đề nghị dừng Dự án mà chưa có những phương hướng để suất để nghiên cứu lựa chọn công nghệ khai thác thì liệu có phù hợp với tinh thần nghị quyết khi mà thời gian đến 2030 cũng không còn nhiều?./.