Tháng 2/2020, nữ bệnh nhân số 17 ở Hà Nội cũng làm nhiều người lây nhiễm, nhưng cơ quan điều tra không khởi tố vụ án.

Điểm khác nhau vụ làm lây lan dịch bệnh COVID-19 của BN1342 và BN17
 
Ngày 3/12, Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” xảy ra tại TPHCM theo điều 240 BLHS năm 2015 liên quan đến vụ việc nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines (BN1342) lây lan COVID-19 ra cộng đồng.
 
Đây là lần đầu tiên các sai phạm trong phòng, chống COVID-19 làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng bị xem xét xử lý hình sự tại TP HCM.
 
Xung quanh việc khởi tố vụ án liên quan BN 1342, một số ý kiến cũng thắc mắc việc, tại sao trước đó, trường hợp bệnh nhân số 17 (Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) cũng khai báo không trung thực, khiến lây lan cho một số người nhưng không bị khởi tố, xử lý.
 
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Xuân Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, điểm khác biệt lớn nhất trong 2 vụ việc này là thời điểm ra đời của văn bản số 45 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
 
Cụ thể, theo ông Cường, vào ngày 30/3/2020 (tức sau thời điểm ghi nhận trường hợp bệnh nhân số 17 tại Hà Nội), Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mới ban hành văn bản số 45.
 
Trong đó, hướng dẫn cụ thể xác định tội danh theo quy định của Bộ Luật hình sự; Hành vi gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" quy định tại điểm C, khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người".
 
Theo luật sư Cường, xét ở mặt thời điểm, văn bản này ra đời sau sau khi phát hiện trường hợp bệnh nhân số 17.
 
Đây là nguyên nhân cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines - "Bệnh nhân 1342" vi phạm cách ly làm lây lan COVID-19 mà không bị khởi tố vụ bệnh nhân số 17 – N.H.N. khai báo không trung thực.
 
Còn luật sư Nguyễn Đức Long (Hà Nội) cũng phân tích, tội danh ở điều 240 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" nhưng đối tượng ở đây chủ yếu là động vật, thực vật, do đó, trước khi có công văn số 45 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì chưa có cơ sở cụ thể để xem xét, xử lý hình sự.
 
Nếu xác định vi phạm đến mức phải xem xét trách nhiệm hình sự thì Bệnh nhân số 17 vi phạm vào tháng 2/2020 nhưng đến tháng 3/2020, TAND Tối cao mới ra văn bản hướng dẫn.
 
Sau thời điểm văn bản số 45 được ban hành, cơ quan chức năng đã có cơ sở để khởi tố điều tra vụ án, truy tố và xét xử hành vi vi phạm làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm này.
 
Đối với việc khởi tố bị can, theo luật sư Long, cơ quan điều tra sẽ phải tiếp tục điều tra, thu thập đầy đủ các chứng cứ và xác định dấu hiệu tội phạm để có căn cứ khởi tố theo quy định của pháp luật.
 
Có dấu hiệu thiếu trách nhiệm 
 
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng LS Chính Pháp, Hà Nội) còn cho rằng để xảy ra sự cố làm lây lan dịch bệnh COVID-19 ở TPHCM, đơn vị cách ly của Vietnam Airlines và chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm.
 
Theo luật sư Cường, căn cứ các quy định, hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế ban hành, việc cách ly tập trung cần phải đảm bảo thời gian cách ly tối thiểu 14 ngày. 
 
Nếu cách ly chưa đủ 14 ngày, xét nghiệm chưa đủ 3 lần thì chưa đảm bảo an toàn. Ngoài ra, trong thời gian cách ly tập trung, người bắt buộc cách ly có sự tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp với người khác nhưng không đảm bảo an toàn, thì hành vi này vi phạm quy định về cách ly tập trung.
 
Trong vụ việc này, theo thông tin từ cơ quan chức năng, nam tiếp viên Vietnam Airlines đã có hành vi vi phạm quy định về cách ly tập trung, cụ thể là tiếp xúc với tiếp viên khác trong khu cách ly (sau đó người này dương tính). 
 
Luật sư Cường cho rằng cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm của đơn vị quản lý cách ly và cán bộ phụ trách đơn vị này.
 
"Cần truy trách nhiệm pháp lý để xem xét xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ việc này", luật sư Cường nhìn nhận.
 
Tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống COVID-19 chiều 3/12, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Công an TP khởi tố bị can là bệnh nhân 1342 về hành vi vi phạm quy định cách ly, làm lây lan dịch COVID-19 ra cộng đồng.
 
Ông Phong cho biết việc bệnh nhân 1342 đi học trong thời gian cách ly tại nhà nhưng không kịp thời khai báo là thiếu trách nhiệm với cộng đồng.
 
Hành vi của bệnh nhân 1342 là không chấp hành quy định về cách ly phòng chống dịch COVID-19, làm lây lan dịch bệnh, gây hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng./.