Đầu năm 2020, tại thời điểm dịch bệnh Covid-19 căng thẳng nhất, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đã áp dụng phong toả triệt để tới gần 80 ngày. Tất cả cửa hàng trong thành phố đều đóng cửa, chỉ trừ những nơi bán thực phẩm và dược phẩm. Toàn bộ các phương tiện công cộng, cá nhân đều bị cấm hoạt động.
Một số nơi, người dân bị cấm tuyệt đối ra đường, một số nơi cho phép các hộ gia đình cử đại diện ra ngoài mua nhu yếu phẩm 2 ngày/lần.
Để không ra ngoài mà vẫn duy trì nhu cầu cuộc sống, giới chức địa phương đã yêu cầu người dân đặt thực phẩm, hàng hoá thiết yếu qua các ứng dụng bán hàng thương mại điện tử. Lúc này, các nhân viên giao hàng (shipper) được người dân địa phương ví như những anh hùng.
Để bảo vệ hành khách và shipper trong mùa dịch, các doanh nghiệp Trung Quốc đã triển khai hoạt động giao hàng không tiếp xúc như để hàng ở cửa, trong hộp khoá tại một điểm lấy hàng được định sẵn.
Một số ứng dụng tại Trung Quốc còn cung cấp kết quả thân nhiệt của nhân viên nhà hàng và người giao hàng cụ thể song song với từng đơn hàng.
Có thời điểm khi nhu cầu “đi chợ hộ”, giao hàng hoá tăng cao mà tốc độ giao bằng xe máy như bình thường khá chậm và thiếu nhân lực, chuỗi siêu thị Freshippo của Alibaba đã thuê xe buýt để giao hàng theo từng khu vực, đẩy nhanh tốc độ.
Ông Hu Xingdou, nhà kinh tế chính trị độc lập làm việc tại Bắc Kinh đánh giá: “Hoạt động giao hàng đóng vai trò cực kỳ quan trọng khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc”.
Mark Greeven, Giáo sư nghiên cứu về chiến lược và đổi mới tại Trường Kinh doanh IMD ở Lausanne, Thụy Sĩ, cho biết: “Bất kể là giao hàng đường bộ, bưu kiện hàng không, thực phẩm tươi sống hay thậm chí là thuốc, vật tư y tế,.. Trung Quốc có hệ thống giao hàng phát triển rất tốt. Thậm chí, tốt hơn nhiều so với những gì tôi nghĩ ở các nước khác trên thế giới”.
Ông Michael Zakkour, nhà tư vấn thương mại điện tử đánh giá: “Xét về logistic, thương mại điện tử và bán lẻ, Trung Quốc đang đi trước Mỹ tới 4 - 5 năm”.
Các công ty thương mại điện tử hàng đầu, ứng dụng giao hàng thực phẩm của Trung Quốc từ lâu đã đầu tư mạnh tay vào tự động hoá nên khi dịch bệnh bùng nổ, họ lập tức triển khai giao hàng bằng máy bay không người lái và robot…
Tại Bắc Kinh, ứng dụng giao hàng Meituan đã sử dụng xe tự lái để giao bữa ăn tới các điểm nhận hàng không tiếp xúc.
Tại Thượng Hải, Ele.me đã thuê máy bay tự lái để phục vụ hàng hoá tới những nơi bị cách ly nghiêm ngặt nhất, theo tờ Bưu điện Hoa Nam.
Nhờ đó, doanh số bán hàng của các hãng thương mại điện tử tăng vọt. Riêng “ông lớn” JD.com đã chứng kiến doanh số bán thực phẩm trong 10 ngày từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 (thời điểm dịch mới bùng phát và căng nhất tại Trung Quốc) tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.