Nguy cơ sạt lở

Cuối tháng 10/2023, do ảnh hưởng mưa lũ đã khiến đập Tắt ở thôn 9, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bị vỡ. Một phần thân đập bị vỡ tan hoang với chiều dài khoảng 30m, sâu khoảng 7 - 9m. Gần 1 năm qua, thân đập bị khoét hàm ếch, sụt lún trong khi bên trong hồ chứa mực nước đã hạ xuống thấp, không còn khả năng tích trữ phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân địa phương. Vỡ thân đập còn vùi lấp nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp, phá hỏng hệ thống giao thông, công trình cống thoát nước. Sự cố này đã làm cho sự an toàn của người dân trên địa bàn bị đe dọa, hàng chục hécta đất chuyên trồng lúa không có nước tưới, khu vực dân cư thiếu nước phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi.

Trước tình hình đó, ngày 1/2/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh có tờ trình gửi HĐND tỉnh, xin quyết định chủ trương đầu tư các dự án hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở. Trong số 7 dự án khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu do thiên tai gây ra trong thời gian vừa qua được thông qua, có công trình khắc phục sửa chữa đập Tắt. Ngày 29/1, UBND huyện Hương Khê đã có tờ trình về việc phê duyệt chủ trương dự án khắc phục, sửa chữa đập Tắt với số tiền khoảng 13 tỷ đồng.

Đến tháng 6/2024 chủ đầu tư là UBND huyện Hương Khê mới thẩm định, phê duyệt xong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình và tháng 8/2024 mới tiến hành mở thầu. Ngày 14/8/2024 huyện Hương Khê có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 01.XL cho dự án, với số tiền hơn 10,3 tỷ đồng.

Tương tự, dự án khắc phục sạt lở bờ sông Ngàn Phố đoạn qua xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ được HĐND tỉnh Hà Tĩnh quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 156/NQ-HĐND ngày 2/2/2024, do UBND huyện Đức Thọ làm chủ đầu tư, tổng kính phí thực hiện là 46,28 tỷ đồng. Trong đó nguồn kinh phí đề xuất từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 là 40 tỷ đồng.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, dự án đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 1088/QĐ-UBND ngày 02/5/2024 và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công tại Quyết định số 1497/QĐ-UBND ngày 19/6/2024. Đến tháng 7/2024, Chủ đầu tư đã hoàn thành việc lựa chọn các nhà thầu và hiện đang chỉ đạo đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình.

vv-1726472399.jpg
Đập Tắt bị vỡ thân đập từ tháng 10/2023 nhưng chưa được khắc phục, sửa chữa kịp thời.

Chậm triển khai các dự án

Để khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian qua trên địa bàn, từ tháng 9 đến tháng 12/2023, UBND tỉnh đã liên tiếp có 4 văn bản đề xuất Trung ương hỗ trợ nguồn vốn. Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1739/QĐ-TTg về việc hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho một số địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở. Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh được  hỗ trợ 150 tỷ đồng.

Ngoài dự án sửa chữa đập Tắt và khắc phục sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, còn có 5 dự án khác được thụ hưởng nguồn vốn này, bao gồm: khắc phục sửa chữa đập Cây Sắn, xã Gia Phố, huyện Hương Khê; khắc phục sạt lở kênh thượng lưu cống Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh; khắc phục sạt lở bờ Tả sông Ngàn Mọ, hạ lưu cầu Chợ Vực tại huyện Cẩm Xuyên; khắc phục sạt lở đường liên xã LX04 từ cầu Hương Đại TDP3, thị trấn Vũ Quang - Giao đường ĐH.81 tại thôn 1 xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang và khắc phục sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua thôn 2, thôn 5 xã Hà Linh, huyện Hương Khê.

Ngay sau khi được phê duyệt, tỉnh Hà Tĩnh đã giao nhiệm vụ cho UBND các huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê, Đức Thọ, Vũ Quang và thị xã Hồng Lĩnh làm chủ đầu tư. Đồng thời, giao trách nhiệm các chủ đầu tư xây dựng đường găng tiến độ chi tiết, cụ thể để quản lý, theo dõi, chỉ đạo thực hiện hoàn thành dự án theo thời gian được duyệt. Bằng mọi biện pháp, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện, hoàn thành các thủ tục về đầu tư xây dựng theo đúng quy định làm cơ sở phân bổ chi tiết nguồn vốn để triển khai thi công công trình, giải ngân nguồn vốn Trung ương hỗ trợ trước ngày 31/12/2024.

Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện nay phần lớn các dự án nói trên đều có tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí có những dự án đang 0 đồng vì chưa có khối lượng để quyết toán. Các dự án tính đến ngày 6/9 có tỉ lệ giải ngân 0 đồng là khắc phục sạt lở bờ Tả sông Ngàn Mọ; khắc phục sạt lở kênh thượng lưu cống Trung Lương, sửa chữa đập cây Sắn, đập Tắt và khắc phục đường sạt lở liên xã tại huyện Vũ Quang. Một số dự án khác có tổng nguồn vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân rất thấp. Đơn cử, dự án khắc phục sạt lở bờ sông Ngàn Sâu có tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng, trong đó nguồn Trung ương hỗ trợ 60 tỷ đồng. Mặc dù đã được bố trí nguồn vốn nhưng đến ngày 6/9/2024 nguồn vốn đã giải ngân chỉ mới đạt 1,35 tỷ đồng.

mn-1726472433.jpg
Bờ sông Ngàn Mọ sạt lở, uy hiếp cuộc sống của người dân hạ du hồ Kẻ Gỗ.

Theo huyện Hương Khê, đến hết tháng 8/2024 mới hoàn thành gói thầu tư vấn khảo sát và đang triển khai công tác lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng. Dự kiến, đến ngày 1/11/2024 mới hoàn thành công tác đấu thầu gói thầu xây lắp và các gói thầu liên quan khác và tổ chức thi công xây dựng công trình. Lúc này, mới thực hiện công tác giải ngân nguồn vốn còn lại xấp xỉ 60 tỷ đồng trong thời gian 60 ngày gần như là điều bất khả thi, bởi giá trị xây lắp tương đối lớn, khối lượng công việc nhiều trong khi thời gian thi công còn lại rất ít, và trùng với thời điểm mùa mưa, lũ.

Cùng tiến độ “rùa bò”, dự án đầu tư xây dựng công trình khắc phục sạt lở bờ sông Ngàn Phố được phê duyệt với số vốn hơn 46 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 8/2024 chủ đầu tư mới trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Ngày 6/9, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu giai đoạn thi công. Tỷ lệ giải ngân của dự án này chỉ mới đạt 0,9 tỷ đồng.

Trước nguy cơ chậm tiến độ của các dự án nói trên, ngày 6/9/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà đã ký văn bản, yêu cầu các sở, ngành và chủ đầu tư liên quan, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Kịp thời rà soát và đưa ra các biện pháp giải quyết, khắc phục những nguyên nhân làm chậm tiến độ. Đối với 3 dự án đang triển khai các thủ tục về đầu tư xây dựng, hiện đang chậm so với đường găng tiến độ được duyệt, đến nay vẫn chưa triển khai thi công công trình, nguy cơ chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn Trung ương hỗ trợ.

Chủ đầu tư là các huyện Đức Thọ, Hương Khê và thị xã Hồng Lĩnh bằng mọi biện pháp trực tiếp chỉ đạo thực hiện các dự án, đảm bảo tiến độ dự án và tiến độ giải ngân. Trong mọi trường hợp, Chủ tịch UBND các địa phương nói trên phảo chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ, chất lượng và tiến độ giải ngân nguồn vốn trước ngày 31/12/2024.