88 lô đất qua 5 phiên đấu giá không có ai tham gia

Dự án hạ tầng khu dân cư đô thị, thương mại và dịch vụ tổng hợp phía Đông Nam huyện Kỳ Anh (giai đoạn 1) triển khai từ năm 2015 trên diện tích trên 17ha, do Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính (Sở TN&MT Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí trên 130 tỷ đồng. Sau khi được đầu tư đồng bộ, hiện đại về hạ tầng, từ năm 2017, dự án được chủ đầu tư ký hợp đồng dịch vụ với các tổ chức đấu giá để tổ chức đấu giá đợt 1 với 88/160 lô, có mức giá khởi điểm từ 6 triệu - 11 triệu/m2 nhưng qua 8 lần mời và 5 phiên tổ chức đấu giá đều không có người tham gia.

e-1727055847.jpg
88 lô đất tại huyện Kỳ Anh hoàn thiện hạ tầng nhưng sau 7 năm, qua 5 phiên đấu giá không có người mua.

Lý giải về nguyên nhân của 5 lần đấu giá thất bại, ông Hồ Nhật Lệ, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất cho rằng, khi bắt tay vào triển khai dự án và làm giá cũng là thời điểm Khu kinh tế Vũng Áng tại thị xã Kỳ Anh đang ở trong giai đoạn sôi động, hoạt động sản xuất kinh doanh đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, đến khi tổ chức đấu giá, tình hình kinh tế lại trầm lắng, sức mua bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, công tác khảo sát, xây dựng giá chưa sát với thị trường, giá đất tại dự án còn cao hơn so với các hạ tầng quỹ đất khác trong khu vực lân cận. Để tiếp tục tổ chức đấu giá 88 lô đất này, ngày 11/9/2024, Sở TNMT có văn bản tham mưu trình UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng cần phải phê duyệt lại phương án đấu giá, giá khởi điểm và bước giá bán. Theo đó, cần phải quy định rõ các nội dung liên quan về đối tượng, cách thức nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa vì dự án có sử dụng 224.000m2 lấy trên đất chuyên trồng lúa. Trước đây, tỉnh Hà Tĩnh quy định khách hàng trúng đấu giá phải nộp các khoản tiền này và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến khách hàng không mặn mà với việc tham gia đấu giá.

Theo Sở TN&MT Hà Tĩnh, trước đây chủ đầu tư đề xuất ủy quyền phê duyệt hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất 88 lô đất ở thuộc dự án nói trên về cho địa phương là UBND huyện Kỳ Anh thực hiện là không phù hợp. Do đó, hiện nay Sở TN&MT Hà Tĩnh đang đề xuất chấm dứt các nội dung đấu giá liên quan từ trước đến nay, đồng thời giao Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính căn cứ Luật Đất đai 2024, Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ và các quy định có liên quan rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để tiếp tục tổ chức đấu giá lại đối với 88 lô đất ở thuộc Dự án Khu dân cư đô thị, thương mại và dịch vụ tổng hợp phía Đông Nam (giai đoạn 1), huyện Kỳ Anh đảm bảo quy định.

Không thành vì giá khởi điểm quá cao

Cũng trong giai đoạn này, Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với các cơ sở đấu giá hợp danh trên địa bàn, đưa ra tổ chức đấu giá đối với 3 khu đất thu hồi của Công ty CP XNK Hà Tĩnh, diện tích 2.144,8m2 tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân; khu đất thu hồi của Công ty CP Việt Hà - Hà Tĩnh với diện tích 12.300m2 và khu đất thu hồi của Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Hà Nội tại phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh có diện tích 13.044m2. Hiện trạng các khu đất này là thương mại dịch vụ với thời hạn 50 năm, về cơ bản đã được các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Từ tháng 2/2024, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản để đưa ra đấu giá, tuy nhiên sau 2 lần thông báo, cả 3 khu đất nói trên đều không có người tham gia.

Theo các tổ chức đấu giá, mặc dù nhu cầu của thị trường đối với các khu đất nói trên là có, một số khách hàng đã tìm hiểu nhưng khi nghe thông báo về mức giá tiền khởi điểm thuê đất và giá trị tài sản trên đất thì không còn ai mặn mà. Theo đó, giá khởi điểm khu đất của Công ty CP XNK Hà Tĩnh là xấp xỉ 10,4 tỷ đồng, giá tài sản trên đất gần 800 triệu đồng; giá khu đất của Công ty CP Đầu tư phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp là gần 11,3 triệu đồng/m2, cùng giá tài sản trên đất hơn 873 triệu đồng và giá khu đất thu hồi từ Công ty CP Việt Hà - Hà Tĩnh là hơn 1,4 tỷ đồng/năm, cùng với giá tài sản gắn liền với đất là 2,06 tỷ đồng. Theo các nhà đầu tư, giá trị tài sản gắn liền với các khu đất mà nhà đầu tư phải chi trả sau khi trúng đấu giá cũng là một quan ngại, bởi thực tế tài sản đã xuống cấp, giá trị sử dụng thấp, trong khi chi phí bỏ ra cao.

Phương án giải quyết là vẫn tiếp tục đưa ra đấu giá, song theo hướng phải điều chỉnh giá khởi điểm hoặc tạm thời chưa đưa ra đấu giá trong thời điểm hiện nay, chờ khi thị trường đất đai có dấu hiệu tăng trưởng sẽ xác định lại giá khởi điểm để đưa ra đấu giá. Trên cơ sở đề xuất của Sở Tài chính, đầu tháng 9/2024, tỉnh Hà Tĩnh đã thống nhất chủ trương tiếp tục tổ chức đấu giá 3 khu đất nêu trên sau khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực. Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính căn cứ quy định của Luật Đất đai năm 2024 để đề xuất, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định các nội dung cần thiết để tổ chức đấu giá thành công các khu đất nêu trên theo đúng quy định.

Được biết, trong thời gian vừa qua, tỉnh Hà Tĩnh đã thu hồi nhiều khu đất của các doanh nghiệp do không triển khai hoặc triển khai chậm các dự án đã được chấp thuận đầu tư để giao cho Trung tâm Quỹ đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng. Trong đó, nhiều khu đất nằm ở vị trí trung tâm, sinh lời nhưng vướng các thủ tục, mặt bằng đấu nối và mức giá khởi điểm quá cao. Có thể kể đến là khu đất thu hồi của Công ty CP Đức Thành Thắng tại phường Nguyễn Du, thành phố Hà Tĩnh; khu đất thu hồi của Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh tổng hợp Hùng Hằng tại phường Nguyễn Du, thành phố Hà Tĩnh; khu đất thu hồi Công ty CP Xây dựng đường bộ số 1 Hà Tĩnh tại phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh và tại phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh...

Theo quy định, các lô đất này sau 2 lần đưa ra đấu giá không thành do không có người tham gia đấu giá thì sẽ phải hạ mức giá khởi điểm để tiếp tục đưa ra đấu giá. Tuy vậy, cũng có trường hợp không có ai tham gia đấu giá thì sẽ không tổ chức đấu giá nữa. Cụ thể, 9 lô đất ở nông thôn bám Quốc lộ 8A tại thôn Hòa Bình, xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ. Tháng 2/2022, huyện Đức Thọ ra giá khởi điểm đấu giá 9 lô đất này quá cao, trong đó giá khởi điểm 8 lô, loại 160m2 là hơn 3,5 tỷ đồng và một lô 263m2 giá hơn 4,7 tỷ đồng. Trong khi hạ tầng chưa hoàn thiện, chưa có đường gom, chưa có mương thoát nước, hiện trạng đang là đồng lúa. Kết quả, tổ chức bán đấu giá 2 lần không thành, không có ai mua hồ sơ.