Ngày 4/3, Công ty đấu giá hợp danh Quốc tế - IPA công bố kết quả đấu giá 26 lô đất ở tại khối 4, thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn - Nghệ An). Theo đó, 20/26 lô đất đã được đấu giá thành công và danh sách trúng đấu giá được công bố đồng thời.
Điều lạ là, sau khi UBND huyện Kỳ Sơn ban hành Quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá và chờ hoàn tất các thủ tục để trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá thì chủ nhân các lô đất bỗng đồng loạt xin “rút lui”.
Ông Nguyễn Duy Chín, người trúng 4 lô đất tại khu vực này, lo lắng cho biết: "Cá nhân tôi đã bỏ ra 800.000.000 đồng để đặt cọc, đấu giá bốn lô đất. Do ở xa, không nắm được đặc điểm nguồn gốc khu vực này nên mới tham gia đấu để mua đất tại đây. Theo tôi được biết, đây là khu vực thường xảy ra sạt lở nên sẽ rất nguy hiểm khi xây dựng và sinh sống tại đây. 20 lô đất được bán, không có bất cứ người dân bản địa nào mua hồ sơ đấu vì họ biết rõ khu vực này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như thế nào…".
Cùng chung nỗi niềm, ông Phạm Công Chính, người trúng lô đất số 19 tại khu vực hạ tầng khối 4, thị trấn Mường Xén, cho biết: "Mặc dù đã được xây dựng hệ thống taluy chống sạt lở, tuy nhiên chân mái taluy quá thấp, không đảm bảo che chắn trước độ dốc lớn, kèm nguy cơ sạt lở cao tại đây. Trong khi đó, các lô đất không được quy hoạch đường ra vào, thoát hiểm phía sau".
Giờ chúng tôi cũng chỉ biết trông chờ vào chính quyền huyện Kỳ Sơn. Họ cần có giải pháp để đảm bảo an toàn cho chúng tôi một khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính và nhận đất, xây dựng sinh sống tại khu vực. Nói thật, nếu được phép rút cọc, chúng tôi sẽ rút ngay… - một người trúng đấu giá đất tại khu vực này cho biết thêm.
Những này cuối tháng 4/2022, có mặt tại khu hạ tầng phân lô đất ở tại khối 4, thị trấn Mường Xén mới thấy được những lo ngại của các “chủ nhân” các lô đất là có cơ sở. Theo quan sát, toàn bộ 26 lô đất được quy hoạch một mặt tiếp giáp, nằm dọc theo Quốc lộ 7; mặt còn lại tựa lưng vào ngọn núi cao chót vót.
Mặc dù đã được xây dựng hệ thống taluy, rào chắn để chống sạt lở nhưng bằng cảm nhận chủ quan của chúng tôi cũng như khách quan của người dân khu vực thì nguy cơ sạt lở là hiện hữu. Thấy chúng tôi đang ghi nhận hình ảnh, bà T. sống gần khu vực này hỏi vội: “Các chú tính mua đất đây à, sạt lở đó. Ở đây, cứ mưa to là sạt lở ầm ầm. Từ khi họ xây dựng taluy thì có đỡ nhưng đất đá vẫn bị sạt lở khi có mưa, lốc…”.
Tại ngôi nhà ngay sát khu vực hạ tầng phân lô về phía đông, chúng tôi không khỏi giật mình khi ngôi nhà bị nứt nẻ nhiều bởi ảnh hưởng của tình trạng sạt lở đất. Phía ngoài tường nhà, các tảng đá có kích thước lên cả 1 m3 còn lăn lóc như minh chứng cho sự “hiểm nguy” với tình trạng sạt lở nơi đây.
Đi vào giữa khu vực phân lô, hình ảnh nhiều vị trí mương bị nứt nẻ, sụt lún khiến chúng tôi cũng không khỏi phân vân. Ngay giữa khu hạ tầng, sát chân taluy, một ít lượng đất còn vương vãi. Đây là dấu tích của việc sạt lở, dù đã được xúc dọn song vẫn còn lộ rõ.
Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao huyện Kỳ Sơn lại chọn, quy hoạch khu hạ tầng phân lô tại khu vực này? Khi người dân đến sinh sống tại đây sự an toàn tính mạng và tài sản có được đảm bảo?.
Thông tin từ lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn: Đơn vị có tiếp nhận đơn của các hộ dân trúng đấu giá tại khu vực hạ tầng phân lô khối 4 thị trấn Mường Xén. Huyện cũng đã có văn bản trả lời gửi các hộ..
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.