Ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe vận tải và logistics là giải pháp vừa giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt.

Chưa nhận thức đúng vai trò của lái xe

Trong văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố mới đây, Bộ Công thương cho biết, việc gián đoạn quá trình lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thời gian qua chủ yếu do nhận thức của các địa phương về vai trò của lực lượng lao động trong các ngành vận tải, logistics chưa phù hợp. Hiện vẫn chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của tài xế trong việc lưu thông hàng hóa phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Vì sao cần ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe vận tải?
Cần ưu tiên tiêm vaccine cho tài xế, nhất là tài xế chở hàng hóa để giảm ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch - Ảnh minh họa

Nguyên nhân được Bộ Công thương chỉ ra là do các địa phương chưa đánh giá đúng vai trò của đội ngũ lao động này, chỉ nhắm vào việc quy định "hàng hóa thiết yếu" để hạn chế lưu thông hàng hóa mà chưa ưu tiên thực hiện các chính sách phòng dịch. Trong đó, cũng chưa thực sự ưu tiên tiêm vaccine cho tài xế. Điều này dẫn đến các quy trình kiểm dịch rất phức tạp, tốn kém, gây lãng phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp.

Do vậy, Bộ Công thương kiến nghị Bộ Y tế xem xét sửa đổi các quy định, hướng dẫn về các thành phần ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh và các thành phần khác trong ngành logistics để đảm bảo lưu thông hàng hóa được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất.

Bộ Công thương cho rằng để thực hiện được "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh, những người lao động trong các ngành vận tải (đặc biệt là các tài xế, nhân viên vận tải liên tỉnh, logistics cảng biển) có vai trò quan trọng tương tự với các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Đồng tình với đề xuất này, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ GTVT cho hay, theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện công tác tiêm chủng đang được tập trung triển khai và cũng là một trong các biện pháp phòng, chống lây lan dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Tuy nhiên, việc chính quyền và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp tại một số địa phương chưa thực hiện tiêm vaccine ưu tiên cho những người lao động đang hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, logistics, trong đó có người điều khiển phương tiện, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa, nhân viên vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động tại cảng biển.

Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiếu đội ngũ lao động vận chuyển hàng hóa, khiến hàng hóa bị tồn đọng, không thể giải phóng tại cảng biển, cửa khẩu và ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

"Việc ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động đang hoạt động trong lĩnh vực đảm bảo lưu thông, vận tải hàng hóa, logistics, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân cần được thực hiện như đối với các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa, khắc phục tình trạng ách tắc vận tải hàng hóa tại cảng biển, cửa khẩu. Việc này cũng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng", Bộ GTVT khẳng định.

Đưa tài xế vào nhóm nguy cơ cao, sớm ưu tiên tiêm vaccine

Từ thực tế trên, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho đối tượng lao động trong các ngành lưu thông, vận tải và logistics.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố thống kê số lượng người lao động trong các ngành vận tải và logistics trên địa bàn để Bộ Y tế có cơ sở phân bổ vaccine; Đồng thời, thông tin công khai các địa điểm tiêm, vị trí tiêm cho đối tượng lao động trong các ngành vận tải và logistics (người điều khiển phương tiện, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa, nhân viên vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động tại cảng biển biết và triển khai tiêm vaccine trong thời gian nhanh nhất, bảo vệ đội ngũ những người lao động này, đảm bảo yêu cầu vừa thuận lợi lưu thông hàng hóa và phòng chống dịch, bệnh Covid-19 hiệu quả.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN cho biết, theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 1,3 - 1,5 triệu lái xe ôtô kinh doanh vận tải. Trong đó, có hơn 400.000 lái xe vận chuyển hành khách (xe khách tuyến cố định, xe buýt, taxi, xe hợp đồng và xe vận chuyển khách du lịch) và khoảng hơn 1 triệu lái xe vận chuyển hàng hóa các loại.

Theo ông Quyền, chủ trương của Chính phủ xác định các đối tượng ưu tiên được tiêm phòng thì lái xe nằm trong nhóm cuối cùng. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nơi chưa triển khai. Hiện nhiều doanh nghiệp vận tải đã kiến nghị Hiệp hội đưa đội ngũ lái xe vào đối tượng được ưu tiên tiêm phòng vaccine. Vì vậy cần đưa đội ngũ lái xe vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao để sớm tiêm phòng vaccine.

"Do tính chất công việc đặc thù nên các đối tượng này có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Việc ưu tiên vaccine ngừa Covid-19 cho đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ trên xe tại các tỉnh, thành sớm nhất có thể là việc làm cấp thiết để vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa", ông Quyền nói.

TS Phan Lê Bình, chuyên gia JICA cho biết, lái xe chưa được tiêm phòng vaccine mà đi nhiều nơi là nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn. Do vậy, cần nhanh chóng đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho các nhóm đối tượng ưu tiên, trong đó có đội ngũ lái xe.