Hiện nay, sự hiện diện lớn mạnh của Apple tại quốc gia đông dân nhất ngày càng dễ thấy.
Tuần trước, Microsoft đã thông báo đóng cửa mạng xã hội LinkedIn của mình tại Trung Quốc nhưng vẫn hoạt động ở đây. Công ty Mỹ cho biết việc tuân thủ các quy định của nhà nước Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn, vì vậy quyết định đóng cửa LinkedIn.
Apple có những vấn đề về kiểm duyệt tại Trung Quốc.
BBC đưa tin vào tuần trước rằng hai ứng dụng tôn giáo phổ biến đã bị xóa khỏi App Store của Apple ở Trung Quốc. Sau đó, Audible thuộc sở hữu Amazon và ứng dụng Yahoo Finance cũng bị gỡ xuống.
Apple Censorship, một nhóm giám sát App Store, cho biết họ đã chứng kiến sự gia tăng các ứng dụng bị gỡ bỏ trong tháng này ở Trung Quốc. Chuyện gì đang xảy ra?
Cuộc đàn áp công nghệ
Thật khó có thể đánh giá những gì đang xảy ra đằng sau những cánh cửa đóng kín ở Trung Quốc. Tuy nhiên, điều ngày càng trở nên rõ ràng là Apple, Microsoft đang bị cuốn vào một cuộc chiến trong nước giữa các nhà chức trách với ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc.
Trung Quốc có những gã khổng lồ công nghệ của riêng mình - Tencent, Alibaba và Huawei - là những công ty toàn cầu. Thế nhưng, chính phủ Trung Quốc ngày càng lo lắng về quyền lực mà họ nắm giữ.
Vào tháng 4.2021, Alibaba đã chấp nhận mức phạt kỷ lục 2,8 tỉ USD sau khi một cuộc điều tra phát hiện ra rằng tập đoàn của tỷ phú Jack Ma đã lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.
Tháng 8.2021, chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch 5 năm phác thảo quy định chặt chẽ hơn với nền kinh tế công nghệ.
Các công ty Mỹ đã không được thoát khỏi "cuộc đàn áp công nghệ lớn".
James Griffiths, tác giả của cuốn sách The Great Firewall of China (Tường lửa vĩ đại của Trung Quốc), nói: "Cuộc đàn áp cho thấy rằng cả Apple và Microsoft đều nhận thức rõ rằng vị thế của họ đang trở nên khó khăn hơn những năm gần đây. Họ biết rằng cần phải bước đi cẩn thận".
“Rơm làm gãy lưng lạc đà” với Microsoft dường như là một đạo luật có hiệu lực vào ngày 1.11 - Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân (PIPL), sẽ yêu cầu công ty phải tuân thủ nhiều quy định hơn.
Microsoft ám chỉ điều đó trong tuyên bố giải thích quyết định rút LinkedIn của mình: "Chúng tôi đang đối mặt với một môi trường hoạt động thách thức hơn đáng kể và các yêu cầu tuân thủ cao hơn ở Trung Quốc".
Graham Webster, Tổng biên tập của DigiChina Project tại Đại học Stanford (Anh), liên kết quyết định đóng cửa LinkedIn ở Trung Quốc với việc thực thi PIPL sắp tới.
Tuy nhiên, Apple có một tập hợp các ưu tiên ở Trung Quốc khác với Microsoft.
Apple đang bị vướng víu sâu sắc với Trung Quốc, nhiều hơn bất kỳ công ty công nghệ Mỹ nào khác.
Trong quý vừa qua, Apple đã đạt doanh thu gần 15 tỉ USD tại Trung Quốc và Đài Loan - con số phi thường.
Chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple cũng phụ thuộc vào sản xuất ở Trung Quốc.
Để có mặt tại Trung Quốc, Apple biết rằng phải tuân thủ các quy tắc của nước này ngay cả khi điều đó có nghĩa là kiểm duyệt.
Có người tự hỏi tại sao Apple không tập trung bán phần cứng ở Trung Quốc và quên đi App Store?
Vấn đề là Apple tin rằng App Store và iPhone không thể tách rời. Hãng công nghệ Mỹ không muốn đặt tiền lệ cho các ứng dụng sideload.
Một điều quan trọng là Apple sẽ kiếm được ít tiền hơn đáng kể nếu quên đi App Store.
Vì vậy, nếu Apple bán sản phẩm công nghệ ở Trung Quốc thì việc giữ cho App Store hoạt động ở đây là điều cần thiết.
Ông Graham Webster nói: “Apple đã gỡ bỏ các ứng dụng và kiểm duyệt App Store bằng cách này hay cách khác trong nhiều năm”.
Tuy nhiên, ông James Griffiths lập luận rằng việc kiểm duyệt của Trung Quốc đã dần trở nên nghiêm ngặt hơn theo thời gian với Apple.
Ông nói: “Apple đã tự đặt cho mình một món hời lớn ở đây. Một khi bạn bắt đầu đồng ý xóa ứng dụng, điều đó thực sự không dừng lại".
Các chiến lược bí mật
Các công ty khác nhìn thấy “dấu hiệu rất rõ ràng báo hiệu điều không tốt đẹp sắp xảy ra” sớm hơn Microsoft.
Google đã loại bỏ công cụ tìm kiếm của mình khỏi Trung Quốc vào năm 2010, sau khi những gì họ nói là một cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc. Google cho biết không còn hài lòng khi bị kiểm duyệt các tìm kiếm.
Rebecca Fannin, tác giả cuốn Silicon Dragons, tin rằng việc Microsoft đóng cửa LinkedIn ở Trung Quốc khiến Apple trở thành "mục tiêu lớn" tiếp theo. Thế nhưng, bà nghĩ rằng Apple sẽ chiến đấu để ở lại Trung Quốc.
"Bạn biết đấy, Apple thực sự là một trong những công ty dẫn đầu thị trường ở Trung Quốc... Tôi không thấy Apple sẽ sớm rút khỏi Trung Quốc vì bất kỳ vấn đề nào trong số này", Rebecca Fannin chia sẻ.
Những gì chúng ta không biết là các cuộc trò chuyện đang diễn ra đằng sau những cánh cửa đóng kín giữa Apple với các nhà chức trách Trung Quốc.
Có thể nhiều ứng dụng vẫn đang hoạt động và tồn tại trên App Store ở Trung Quốc vì Apple đứng ra bảo vệ chúng.
Apple hiếm khi bình luận về những câu chuyện này và chỉ cho các nhà báo về chính sách nhân quyền của mình, trong đó tuyên bố rằng sẽ tuân thủ luật pháp ở các quốc gia mà hãng này hoạt động ngay cả khi không đồng ý với chúng. Ở Trung Quốc, họ đã và đang làm điều đó.
Khi các nhà chức trách Trung Quốc thực sự muốn gỡ một ứng dụng, nó sẽ bị xóa.
Big Tech (các hãng công nghệ lớn của Mỹ) không còn hiện diện nhiều ở Trung Quốc nữa.
Câu hỏi bây giờ là bao nhiêu quy định, bao nhiêu sự tuân thủ và bao nhiêu việc kiểm duyệt sẽ là quá nhiều với Apple?