Gần đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Dầu gội đầu Newgi.C 100ml (số lô: 011121; ngày sản xuất: 12/11/21; hạn dùng: 12/11/24; trên nhãn ghi "SCB: 180/20/CBMP-CT, Công ty Cổ phần Dược phẩm Phương Nam, trụ sở chính - xưởng sản xuất: 300C Nguyễn Thông, phường An Thới, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ, Việt Nam").

Lý do thu hồi được Cục Quản lý Dược đưa ra là sản phẩm Dầu gội đầu Newgi.C 100ml không đáp ứng yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm, cụ thể là chỉ tiêu tổng số vi sinh vật đếm được, và phát hiện vi khuẩn Pseudomonas Aeruginosa.

Pseudomonas Aeruginosa nguy hiểm sao?

Theo trang Everyday Health, Pseudomonas là một nhóm vi khuẩn có thể gây ra nhiều loại nhiễm trùng khác nhau như nhiễm trùng phổi, tiết niệu, viêm màng não, viêm tai giữa,...

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, Pseudomonas Aeruginosa là dạng gây bệnh phổ biến nhất của vi khuẩn này.

vi-khuan-pseudomonas-aeruginosa-trong-dau-goi-nguy-hiem-nhu-nao-1663642069.png
Nhiễm trùng do vi khuẩn Pseudomonas Aeruginosa xâm nhập vào máu có thể dẫn đến suy hô hấp, sốc và tử vong. Ảnh: CDC.gov.

Triệu chứng của P. Aeruginosa khác nhau, tùy thuộc vào loại nhiễm trùng:

Nhiễm trùng phổi (viêm phổi) có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt và ớn lạnh, khó thở, tức ngực, mệt mỏi và ho. Nhiễm trùng đường tiết niệu khiến người bệnh đi tiểu thường xuyên, tiểu đau, nước tiểu có mùi khó chịu, màu đục hoặc có máu, đau ở vùng xương chậu. Viêm tai có thể gây đau tai, giảm thính lực, đỏ hoặc sưng tai ngoài, sốt,... P. Aeruginosa cũng có thể gây nhiễm trùng mắt ở những người sử dụng kính áp tròng.

Nhiễm trùng nghiêm trọng do P. Aeruginosa chủ yếu xảy ra ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe, nhưng mọi người cũng có thể nhiễm khuẩn từ bồn tắm nước nóng và hồ bơi. Trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe, P. Aeruginosa lây lan qua việc vệ sinh không đúng cách, thiết bị y tế không được khử trùng hoàn toàn...

Nhiễm trùng P. Aeruginosa nhẹ, liên quan đến nước, thường được điều trị dễ dàng hơn bằng một số loại kháng sinh nhất định. Tuy nhiên, điều trị nhiễm P. Aeruginosa nghiêm trọng liên quan đến bệnh viện khó khăn hơn vì một số chủng vi khuẩn có khả năng kháng gần như tất cả các loại kháng sinh mạnh.

Theo StatPearls, nếu vết thương ở chân dẫn đến nhiễm trùng Pseudomonas không được điều trị, nó có thể dẫn đến nhiễm trùng trong xương. Nhiễm trùng do vi khuẩn Pseudomonas Aeruginosa xâm nhập vào máu có thể dẫn đến suy hô hấp, sốc và tử vong.

Tỷ lệ tử vong do nhiễm P. Aeruginosa được ước tính là từ 18 đến 61%. Những người bị nhiễm trùng máu hoặc ung thư máu có nguy cơ tử vong cao hơn, theo các nghiên cứu trước đây. Theo một bài báo đăng trên tạp chí Drugs in Context năm 2018, việc chậm trễ điều trị có liên quan đến tỷ lệ tử vong tăng rõ rệt.

Phòng ngừa nhiễm vi khuẩn Pseudomonas Aeruginosa

- Rửa tay thường xuyên. Đây là cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh. Sử dụng xà phòng và nước, rửa trong ít nhất 20 giây; hoặc sử dụng chất khử trùng có cồn.

- Giữ sạch vết thương. Nếu bạn bị đứt tay hoặc trầy xước, hãy nhớ rửa sạch và băng lại.

- Tránh dùng chung các vật dụng cá nhân. Đừng dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu hoặc khăn tắm.

- Chỉ sử dụng kháng sinh khi cần thiết. Nếu bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh, hãy uống thuốc theo đúng chỉ định.

- Giữ các bề mặt sạch sẽ. Khử trùng tất cả các bề mặt bạn chạm vào như điện thoại di động, tay nắm cửa và công tắc đèn.

- Bơi lội an toàn. Nếu tắm bồn tắm nước nóng hoặc hồ bơi, hãy đảm bảo rằng nó được khử trùng và bảo dưỡng đúng cách./.