Ví giặm - tâm hồn và cốt cách của người xứ Nghệ

Xứ Nghệ là một vùng đất địa linh, nhân kiệt, là vùng quê với những làn điệu dân ca trữ tình và sâu lắng. Ví, dặm là “đặc sản” văn hóa, thể hiện tâm hồn và cốt cách của người xứ Nghệ. Hát ví, hát dặm gắn liền với đời sống sinh hoạt và lao động, sản xuất của người dân xứ Nghệ từ rất lâu rồi và theo sử sách đến thế kỷ XVIII, ví, dặm đã thịnh hành với hình thức hát phường, hát hội. Cho đến tận bây giờ, trong nhịp sống hiện đại, những làn điệu dân ca ví, dặm luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân xứ Nghệ và những người con xứ Nghệ xa quê.

Trong lao động sản xuất, những hát ví, hát dặm như là một phương thuốc tinh thần làm vơi bớt mệt nhọc, đồng thời là phương tiện để tạo lập và tổng hợp sức mạnh của tập thể, cộng đồng. Còn trong sinh hoạt văn hóa, ví, dặm là một sản phẩm của cộng đồng; là phương tiện để vui chơi, giải trí trong những dịp hội hè, đình đám; những đêm trăng thanh gió mát cùng bạn bè giao du, thưởng thức hay thi thố tài năng văn chương.

w-1724746649.PNG

Âm hưởng của làn điệu dân ca ví, dặm khi lên bổng, khi xuống trầm nhưng rất thiết tha, sâu lắng. Theo đó, trong từng điệu hò, câu ví ẩn hiện, thấp thoáng đâu đó tính cách của người xứ Nghệ vừa chân chất, mộc mạc, vừa quyết liệt, rắn rỏi lại vừa sâu sắc, trữ tình… Người xứ Nghệ gắn bó thủy chung với điệu hò, câu ví để được sống với những cung bậc cảm xúc tinh tế, nhạy cảm nhất trong tâm hồn. Những đêm hội hát ví, hát dặm là môi trường tạo lập nên các mối quan hệ văn hóa giữa con người với con người; trở thành phương tiện kết nối, xây đắp tình làng nghĩa xóm, tình cảm cộng đồng, tình yêu đôi lứa…

Điều đặc biệt hơn là làn điệu ví, dặm đã chắp cánh, dung dưỡng những bậc nho sĩ tài danh như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu… và khơi nguồn cho cảm hứng sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ như Truyện Kiều (Nguyễn Du), Thác lời gái phường vải (Nguyễn Huy Huýnh)… Giai điệu, ca từ của điệu hò câu ví xứ Nghệ đã ảnh hưởng đến tâm hồn và phong cách sáng tác của nhiều nhạc sỹ để rồi theo đó nhiều tác phẩm âm nhạc hiện đại như: Khúc hát sông quê, Hà Tĩnh mình thương, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh… ra đời, nghe thật trữ tình và da diết, thấm đẫm tình người, tình quê xứ Nghệ…

Nguy cơ mai một và nỗ lực bảo tồn

Mai một là một thực tế của dân ca ví, dặm xứ Nghệ. Minh chứng là những làn điệu ví, dặm cổ đang dần dần thất truyền. Các nghệ nhân hát ví, hát dặm trông đi ngoảnh lại chẳng còn có mấy người và tuổi của họ cũng đã già. Lớp trẻ một thời theo nhau lớn lên từ điệu hò câu ví nhưng đáng buồn là giờ nhiều người trong số họ không còn nhớ, còn thuộc lấy một câu ví, dặm. Thị hiếu âm nhạc đã thay đổi nhiều do ảnh hưởng của các dòng âm nhạc hiện đại, câu hò, điệu ví cũng theo đó ít dần đi…

Bảo tồn các làn điệu hát ví, hát dặm là nỗi niềm đau đáu của những người làm công tác văn hóa và của người dân xứ Nghệ. NSND Hồng Lựu - Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cho rằng: dân ca ví, dặm ẩn chứa sau những ca từ rất bình dị là cái nồng nàn, sâu lắng, phản ánh sinh động đời sống lao động của người dân xứ Nghệ. Hầu hết các vùng quê ở Nghệ Tĩnh, nhất là những vùng có nghề truyền thống lâu đời thường sản sinh ra ví, dặm như nghề làm nón ở Tiên Điền (Nghi Xuân) có hát ví phường nón; nghề xe tơ, dệt vải ở Kim Liên (Nam Đàn), Trường Lộc (Can Lộc) có hát ví phường vải… NSND Hồng Lựu cũng cho biết: những năm qua, Trung tâm của chúng tôi đã tiến hành khảo sát, thu thập và xây dựng tư liệu về ví, dặm. Cùng với đó, tổ chức nhiều hoạt động để khôi phục và phát huy các làn điệu dân ca như: các buổi hội thảo khoa học, đưa dân ca ví, dặm vào các trường học…

Theo Giám đốc Sở VH, TT và DL Hà Tĩnh Võ Hồng Hải: lâu nay, ngành văn hóa Hà Tĩnh cũng đã có nhiều giải pháp tích cực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca xứ Nghệ. Sau khi tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca, hò, ví, dặm xứ Nghệ”, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có sự phối hợp, phân công nhiệm vụ cụ thể. Theo kế hoạch đến 31.7 tới đây, hai tỉnh sẽ trình Hồ sơ Khoa học dân ca, ví, dặm xứ Nghệ đề nghị đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và tiến tới xin ý kiến của Chính phủ, Bộ VH, TT và DL  lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Được UNESCO vinh danh là niềm vinh dự lớn, nhưng điều cốt yếu nhất là phải làm thế nào để ví, dặm luôn sống mãi cùng với thời gian, sống mãi trong đời sống của người xứ Nghệ. Theo con số khảo sát mới đây, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có hơn 70 câu lạc bộ dân ca, ví, dặm; còn Hà Tĩnh tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng cũng có xấp xỉ 50 câu lạc bộ… Đó là một con số đáng mừng. Bên cạnh đó, dân ca ví, dặm còn được tái hiện sống động trên sân khấu qua những vở hát kịch và hội diễn nghệ thuật quần chúng, hoặc được dạy trên Đài Phát thanh - Truyền hình và trong một số trường phổ thông. Đặc biệt, dân ca ví, dặm được tiếp sức bảo tồn và phát triển bởi những cuộc liên hoan dân ca. Liên tục trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, tại các sân khấu, các hội quán trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã diễn ra nhiều cuộc liên hoan dân ca ví, dặm với các chủ đề khác nhau. Công phu và bài bản, trữ tình và lắng đọng nhất là Liên hoan Dân ca ví, dặm được tổ chức tại TP Vinh mới đây, với sự tham gia của hơn 20 câu lạc bộ và hơn 700 người diễn xướng, nhạc công, đủ thế hệ và được truyền hình trực tiếp…

Với những nỗ lực như vậy, tin rằng dân ca ví, dặm sẽ còn tiếp tục ngân vang, lưu truyền mãi. Dân ca ví, dặm - lời tự tình sẽ sống mãi giữa hồn quê xứ Nghệ…