Dùng lá lằng tươi sẽ tốt hơn. Còn lá lằng khô chế biến phát huy được công dụng, sau khi thái sợi nhỏ nếu nắng to chỉ phơi khoảng 3 tiếng.
Hiện nay cây lằng đang trong giai đoạn phát triển, có nhiều lá non nên người dân các xã miền núi các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghĩa Đàn lên rừng thu hái lá, nhập cho thương lái hàng trăm kg lá mỗi ngày.
Để phân biệt lá lằng, người dân khi mua cần để ý lá phải có răng cưa, gân lá có màu đỏ sẫm. Dùng lá lằng tươi sẽ tốt hơn lá khô.
Lá tươi sau khi mua ở chợ về rửa sạch thái sợi nhỏ nấu kèm với cá trích, cá đồng, thịt lợn xay nhỏ, tép tươi, tép khô…
Lá khô có thể nấu canh kết hợp với các loại rau như rau dền, rau mồng tơi. Khi rau chín, bỏ vào canh một dúm lá lằng khoảng 5 - 10g (tùy khẩu vị thích đắng ít hay đắng nhiều) và thêm gia vị cho đủ độ đậm ngọt. Có thể dùng lá lằng khô nấu với nước đến khi sôi, để nguội, dùng uống trong ngày như nước vối, nước chè.
Các điểm bán lá lằng tại chợ Giát (Quỳnh Lưu) hút khách. Ảnh Việt Hùng
Thời điểm này, lá lằng tươi giá bán sỷ tại chợ Giát (Quỳnh Lưu) khoảng 1.500 đồng/kg, sau đó thương lái đến thu mua về bán lẻ ở các điểm chợ khác giá từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Lá lằng khô giá 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Thường - người bán lá lằng ở chợ Giát cho biết, chị cùng một số người thu mua lá lằng ở xã Nghĩa Thuận (Nghĩa Đàn), Đô Thành, Hậu Thành (Yên Thành), Quỳnh Thắng, Tân Thắng (Quỳnh Lưu) về nhập cho các đầu mối tiêu thụ. Hiện mỗi ngày chị bán được 3.000 - 4.000 bó tươi và từ 5 - 10 kg lá khô. "Vào mùa vụ chính, có ngày tôi có thể thu lãi được khoảng 4 triệu đồng” - Chị Thường chia sẻ.
Cách bảo quản lá lằng được lâu là thái nhỏ, phơi khô. Hiện lá khô có giá bán từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Ảnh Việt Hùng
Lá lằng khô phát huy được công dụng là khi thái nhỏ, phơi nắng vừa, nếu nắng to chỉ phơi vài tiếng là thu gom, phơi quá lâu sẽ mất tác dụng. Để bảo quản lá lằng được lâu, người dân thường phơi khô trong một buổi nắng rồi đóng vào bao ni lon. Với cách bảo quản này, lá lằng có thể để được vài ba tháng.
Bát canh lá lằng nấu với tôm sông, cà chua. Ảnh Việt Hùng
Lá lằng có tác dụng thanh nhiệt cơ thể trong mùa nắng nóng, kích thích ăn ngon miệng, tốt cho tiêu hóa và có tác dụng giải độc gan.
Đặc biệt, lá lằng còn là vị thuốc có tác dụng bồi bổ cơ thể, điều trị các bệnh phụ khoa ở phụ nữ. Một số người còn cho rằng, loại lá này chữa được bệnh viêm tinh hoàn, liệt dương ở đàn ông...
Vì có nhiều công dụng cho sức khỏe nên người dân đi chợ thường mua kèm lá lằng để sử dụng hàng ngày. Có nhiều người mua lá tươi về phơi khô để làm quà cho bạn bè, người thân ở nước ngoài.
Cây lằng hay còn gọi là sâm nam, chân chim thường mọc trong các khu rừng ở Thanh Hóa và Nghệ An. Ở Quỳnh Lưu, cây lằng được người dân các xã miền núi Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu... vào rừng hái về sử dụng, sau đó đưa giống về trồng ngay trong vườn nhà.Cây lằng được người dân xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) thuần hóa trồng tại vườn. Ảnh: Việt Hùng