y-1708226635.jpg
Cổng làng Quỳnh Đôi

Không phải ngẫu nhiên, năm 2023, Quỳnh Lưu lại khai trương tour du lịch “Làng cá gỗ - sau ánh hào quang” bởi nói đến con cá gỗ - ông đồ Nghệ là nói đến truyền thống hiếu học, truyền thống vượt qua những khó khăn về đời sống vật chất, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt mà dùi mài kinh sử để thành tài của những người con xứ Nghệ. Người Quỳnh Đôi nói riêng, người Nghệ An nói chung muốn xây dựng hình ảnh con cá gỗ trở thành biểu tượng đẹp của đất học xứ Nghệ, vượt qua những tranh cãi, dị nghị về hình ảnh này. Những câu chuyện xung quanh làng Quỳnh phần lớn đều liên quan đến truyền thống học hành, khoa cử của làng như: câu chuyện con cá gỗ gắn với Quỳnh Quận Công Hồ Phi Tích; giếng cổ Bà Cả gắn với hình ảnh gánh nước trượt chân của Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương; lớp học của cụ đồ Nghệ Dương Văn Khai, người thầy đầu của Thổ Đôi Trang; đền thờ các bậc khoa bảng; chuyện cụ Nguyễn Sinh Sắc, cụ cả Khiêm và Bác Hồ đến thăm và từ biệt làng hơn 100 năm trước…

yy-1708226672.jpg
 

Trước mắt chúng tôi là cổng làng Quỳnh uy nghi bề thế, một cổng làng được xây mới vừa mang nét truyền thống vừa hiện đại do con em làng Quỳnh Đôi khắp nơi trên cả nước đóng góp. Đi cùng chúng tôi về thăm làng Quỳnh dịp cuối năm Quý Mão, nhà thơ Dương Huy - người con làng Quỳnh Đôi cho rằng, sự khoáng đạt của làng giữa thiên nhiên giúp cho long mạch làng trường thịnh. Tôi không hiểu nhiều về phong thủy nhưng rất tin lời nhà thơ bởi trước mắt tôi là một làng quê yên bình, rộng rãi, một không gian làng quê như bao làng quê khác nhưng vẫn toát lên một vẻ gì đó rất riêng.

yyy-1708226683.jpg
Tái hiện lại không gian văn hóa làng Quỳnh Đôi xưa (ảnh trên: sĩ tử lều chõng đi thi, ảnh dưới: gánh nước)

Nói về Quỳnh Đôi là nói về những danh nhân văn hóa, lịch sử tầm cỡ quốc gia. Dân gian có câu “Bắc Hà: Hành Thiện; Hoan Diễn: Quỳnh Đôi” chứng tỏ danh tiếng của ngôi làng này không chỉ ở trong tỉnh mà đã vang danh khắp cả nước. Anh cán bộ văn hóa xã dẫn chúng tôi tham quan cảnh làng cho biết: những người đầu tiên khai cơ lập làng, được xem là thủy tổ của làng, thuộc 3 dòng họ: Hồ, Hoàng và Nguyễn. Sử làng còn ghi lại: Đầu thế kỷ 14, cụ Hồ Kha, một quan chức đời Trần, về xem phong cảnh vùng này, và cho rằng, đây tuy không phải là vùng sơn thủy hữu tình nhưng lại là mảnh đất “Đinh phong dẫn mạch, tinh thủy đáo đường”. Năm 1378, cụ Hồ Kha giao cho con trai trưởng là Hồ Hồng cùng với các ông Nguyễn Thạc và Hoàng Khánh trụ lại khai cơ lập làng, lấy tên là làng “Thổ Đôi”. Về sau, ông tổ họ Dương, họ Phan, họ Phạm cùng đến đây chung sống, xây dựng trang ấp. Về sau nữa, nhiều dòng họ khác cũng về đây sinh sống, Thổ Đôi trang ngày càng phát triển. Đến năm 1528, ông Hồ Nhân Hy (đời Mạc) đổi tên Thổ Đôi trang thành Quỳnh Đôi thôn, tức xã Quỳnh Đôi ngày nay.

op-1708226715.jpg
Bia tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Quỳnh Đôi là một làng cổ, mang đầy đủ những đặc trưng của văn hóa làng xứ Nghệ. Không mấy địa phương cấp xã ở Nghệ An cũng như trên cả nước có được bề dày lịch sử - văn hóa còn lưu giữ được như ở Quỳnh Đôi. Hiện làng có 9 di tích Lịch sử - Văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 8 di tích quốc gia như: đền Thần, đình làng, nhà thờ họ Hồ, nhà thờ họ Nguyễn Triệu Cơ, đền thờ cụ Hoàng Khánh, Đền thờ Quận công Hồ Sỹ Dương, nhà thờ Quận công Hồ Phi Tích, nhà thờ họ Dương, cụm di tích quốc gia Nhà thờ và Mộ cụ Hồ Tùng Mậu - nhà cách mạng tiền bối, tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, cùng rất nhiều công trình gắn liền với các sự kiện, tên tuổi của những con người Quỳnh Đôi đã đi vào lịch sử Dân tộc như: Bia tưởng niệm Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Bia tưởng niệm Anh hùng LLVT Cù Chính Lan, Đài tưởng niệm các liệt sỹ 1930 - 1931, vườn Xô Viết… Bấy nhiêu đã đủ nói lên tầm vóc của một ngôi làng “huyền thoại”.

Một trong những biểu tượng của đất học Quỳnh Đôi là lớp học của ông đồ Dương Văn Khai, người thầy đầu tiên đưa ánh sáng văn hóa về Thổ Đôi Trang. Ông là con trai duy nhất của cụ Dương Đăng Hoành. Ông sinh vào khoảng đầu thế kỷ XV, trong một gia đình khá giả và có truyền thống hiếu học tại xã Yên Lý, tổng Vạn Phần, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Từ lớp học này, bao thế hệ người Quỳnh Đôi truyền tay nhau ngọn lửa của tinh thần hiếu học mà lập chí, lập thân.

Anh cán bộ văn hóa xã dẫn chúng tôi vào trong dâng hương viếng các cụ trong nhà thờ họ Hoàng, một trong 3 dòng họ khai cơ lập làng. Vừa dẫn đoàn, anh vừa giới thiệu cho chúng tôi những nét chính về truyền thống khoa bảng của làng mình. Anh tự hào cho chúng tôi biết: Quỳnh Đôi là một làng nhỏ nhưng lại có đóng góp cho đất nước và địa phương rất nhiều nhân tài. Tính từ năm 1378 đến 1918 (khi bãi bỏ thi chữ Hán), làng Quỳnh có 734 người đậu tú tài và cử nhân trở lên. Trong đó có 88 người thi Hội đỗ Tam trường; 4 Phó bảng, 7 Tiến sỹ, 2 Hoàng Giáp, 1 Thám hoa. Tiêu biểu là ông Hồ Sỹ Dương 3 lần đậu giải Nguyên, Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Bà Chúa thơ nôm thế kỷ thứ 18; chí sĩ Phạm Đình Toái tác giả “Đại nam quốc sử diễn ca” được coi là một thiên anh hùng ca của Dân tộc ta; nhà thơ Hoàng Trung Thông - Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, xã có 52 Thạc sĩ, 55 Tiến sĩ, 16 Phó Giáo sư, 5 Giáo sư, 3 Viện sĩ khoa học Quốc tế, hàng trăm người đang hoạt động trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, báo chí, văn nghệ sĩ. Nơi đây đã sinh ra cho đất nước 5 Ủy viên BCH Trung ương Đảng, trong đó có 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 9 Đại biểu Quốc hội; có 31 Tỉnh ủy viên, trong đó 11 Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Khu ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, 5 ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy; 15 Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương; có 8 Bí thư Huyện ủy, 2 Phó Bí thư Huyệnủyỷ, 3 Chủ tịch huyện, Quận.

Chúng tôi lại theo anh người cán bộ văn hóa xã hành hương về nhà thờ họ Hồ - Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, dòng họ nổi tiếng cả nước về đỗ đạt. Nhà thờ được xây dựng trên khuôn viên khá rộng, bên cạnh cánh đồng xanh mơn màu lúa. Nhà thờ họ Hồ vẫn còn lưu giữ được nét cổ kính với cổng nhà thờ nhuốm màu thời gian, gian nhà gỗ với đường nét cổ kính, trầm mặc, trang nghiêm. Nhà thờ họ Hồ có những tấm bia lưu anh những danh nhân lịch sử, văn hóa là con cháu có gốc họ Hồ như Vua Hồ Qúy Ly; Hoàng đế Quang Trung (Hồ Thơm); nữ sĩ Hồ Xuân Hương; Tam giáp tiến sĩ Hồ Sĩ Dương làm quan bốn triều vua Lê; Nhị giáp Tiến sĩ Hồ Phi Tích làm quan đến chức Binh bộ Thượng thư; Tham tụng (Tể tướng) Hồ Sĩ Đống; Phó bảng Hồ Bá Ôn; Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Rời nhà thờ họ Hồ, chúng tôi thăm nhà thờ họ Nguyễn Triệu Cơ thờ ông, bà Đức thần Thủy Tổ An Hòa Hầu Nguyễn Thạc, các vị có chức sắc, các cụ Tổ từ đời thứ nhất đến đời thứ mười. Ngôi nhà thơ có lịch sử xây dựng từ giữa thế kỷ XIX. Trải bao thời gian, ngôi nhà thờ vẫn khá nguyên vẹn và giữ được nét thâm trầm cổ kính. Chuyện kể rằng, năm 1949 khi thực dân Pháp đổ bộ lên Quỳnh Đôi tàn phá nhưng không giám vào đất thiêng họ Nguyễn Triệu Cơ.

Điểm dừng chân cuối cùng của đoàn chúng tôi là nghĩa trang xã Quỳnh Đôi. Khu vực nghĩa trang rất rộng, đây là nơi quy tụ của bao thế hệ người làng Quỳnh hoặc sau bao phiêu bạt thăng trầm, hoặc sau nỗi đời cơ cực, hoặc sau vinh hoa phú quý đều về với tiên tổ.

Nghĩa trang làng cũng nói lên bao điều về văn hóa con người Quỳnh Đôi. Mỗi dòng họ một khu vực riêng, những ngôi mộ nhỏ bé, giản dị dù là của quan chức cấp cao, của người giàu sang thành đạt hay của một người nông dân cũng bình đẳng như nhau. Các ngôi mộ được sắp xếp theo thứ bậc trong dòng họ, không ai vì có điều kiện kinh tế hay địa vị xã hội mà tách ra xây thật nguy nga, bề thế, dù ở làng Quỳnh nhiều gia đình có điều kiện để xây dựng cho cha mẹ, ông bà mình những ngôi lăng mộ thật lớn.

Về Quỳnh Đôi, chúng tôi như được hít thở không khí cổ xưa của văn hóa làng xứ Nghệ, được sống trong môi trường của những văn nhân, sĩ tử. Dù bao vật đổi sao dời, Quỳnh Đôi luôn tự hào là nơi sản sinh ra những con người tuấn kiệt, những bậc tài hoa làm rạng danh quê hương và non sông đất nước./.