Nhẫn nhịn vì chồng thế nhưng mẹ chồng cũng nào có để cho em sống yên đâu. Lần nào về quê mẹ chồng cũng chặn cửa vì sợ em mang của đi.
 
Ngày đưa chồng về ra mắt, thấy anh đi chiếc ô tô bóng lộn thì cả làng bắt đầu xôn xao hết cả lên. Ai ai cũng khấp khởi đến nhà hỏi thăm bố mẹ em mà bảo rằng:
 
- Con gái ông bà lấy chồng giàu rồi sau này tha hồ mà ngồi hưởng phúc thôi, không cần phải làm bất cứ việc gì nữa đâu.
 
Bố mẹ em khi ấy nghe nhưng cũng chỉ cười cho qua câu chuyện. Em chỉ nhớ mẹ có hỏi em rằng:
 
- Một cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối sẽ phải đánh đổi rất nhiều thứ, con đã sẵn sàng để đương đầu với tất cả mọi chuyện chưa?
 
- Con chỉ biết hiện tại thì con hài lòng với những gì mình đang có mẹ ạ.
 
Em lúc đó chỉ tin rằng có tình yêu của chồng, có những lời hứa của anh, em sẽ đủ niềm tin để vượt qua hết mọi chuyện khó khăn phía trước. Cho đến khi chính thức về chung sống một nhà, chứng kiến sự chỉ trích, soi mói hàng ngày của mẹ chồng thì em mới hiểu rằng nhưng điều mà bố mẹ lo sợ cho mình hoàn toàn là sự thật.
 
 
Thế nhưng mẹ chồng em có vừa đâu, bà đi khắp mọi nơi rêu rao rằng em ăn bám (Ảnh minh họa)
 
Mẹ chồng em một ngày có 24 tiếng thì bà dành ra tận 10 tiếng để răn đe, soi mói con dâu. Em cũng đi làm thế nhưng lương của em mỗi tháng cũng chỉ được 7 triệu. Làm được bao nhiêu em bỏ hết ra lo ăn uống, tiêu pha cho nhà chồng hết bấy nhiều. Đến khi nào hết tiền thì mới lấy tiền của chồng mình. Lý do chi tiêu như vậy là vì chồng em có bảo rằng:
 
- Mẹ lúc nào cũng nghĩ em lấy anh chỉ vì tiền, lúc nào cũng nghĩ là em ăn bám anh. Chính vì thế em cứ sống, cứ tiêu bằng đồng lương em làm ra đi rồi khi nào hết tiền thì anh sẽ đưa thêm cho em. Làm như thế mẹ nhìn vào mẹ cũng sẽ nghĩ rằng em rất giỏi giang, biết tự kiếm tiền để tiêu chứ không ăn bám anh.
 
Em thấy lời chồng mình nói cũng rất có lý cho nên em đồng ý. Thế nhưng mẹ chồng em có vừa đâu, bà đi khắp mọi nơi rêu rao rằng em ăn bám. Em đi làm bà cũng chẳng để cho em yên, cứ sắp đến giờ tan làm là bà lại gọi điện nhắc nhở:
 
- Xong việc thì về sớm mà lo cơm nước cho chồng chứ không phải là ở lại buôn dưa lê, ngồi lê đôi mách rồi ăn đường ăn hàng đến giờ cơm mới vác mặt về nhà đâu. Nhà này không có thừa tiền để mà nuôi những đứa con dâu như thế.
 
Em nghe, hiểu hết những lời mẹ chồng nói. Gần một năm làm dâu, em mới phát hiện ra sức chịu đựng của em thật sự đáng nể. Em cũng đã chẳng ít lần nói với chồng em rằng em về làm dâu chứ không phải để làm người ở. Thế nhưng chồng em lại chỉ bảo với em rằng:
 
- Dù sao thì đó cũng là mẹ của anh, em cố gắng nhẫn nhịn, chịu đựng một chút nhưng vợ chồng mình cũng được sống yên mà anh cũng đỡ khó xử.
 
Nhẫn nhịn vì chồng thế nhưng mẹ chồng cũng nào có để cho em sống yên đâu. Gần một năm làm dâu em mới về nhà ngoại được đôi, ba lần. Thế nhưng lần nào về quê mẹ chồng cũng chặn cửa rồi hỏi bóng gió:
 
- Có mang gì về cho bố mẹ cô không đấy? Nhà tôi không dư tiền dư của đâu nhé.
 
Em nghe mà cứng họng, thấy mình bị khinh miệt nhưng vẫn phải cố gắng nhẫn nhịn. Nhưng như hôm vừa rồi thì mẹ chồng em đã thực sự quá đáng. Em đã xin phép mẹ chồng về thăm nhà từ hôm trước. Vậy mà hôm sau em về, mẹ chồng em thay vì nói mấy lời hỏi thăm sức khỏe bố mẹ em thì bà lại giật lấy túi xách em cầm trên tay rồi đổ tung ra để kiểm tra:
 
- Để tôi xem cô có giấu diếm gì mang về cho bố mẹ cô không?
 
- Kìa mẹ, đây là đồ riêng tư của con sao mẹ lại làm như vậy.
 
- Riêng với tư cái gì, ở cái nhà này cô làm gì ra tiền. Tôi làm sao mà biết được cô có giấu diếm gì mang về cho bố mẹ cô không?
 
- Con đi làm con có lương, kể cả con có mua biếu bố mẹ con thứ gì cũng là lẽ thường tình và con cũng mua tiền con chứ không lấy của nhà mẹ đâu ạ.
 
- Cô dám trả treo ư? Mày xem con vợ mày nó hỗn chưa kìa.
 
Em uất ức quay sang nhìn chồng nhưng anh cũng bảo mẹ không nên làm thế nhưng bà chỉ nguýt 1 cái. Thấy không có gì, bà mới ném trả lại túi xách cho em đi. Bước ra khỏi nhà chồng, em thực sự không muốn quay lại nữa. Sống như con ở, bị coi thường, khinh miệt, chồng thì không quan tâm, em còn lý do gì để tiếp tục đây./.