Nội dung "bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy" được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Nguyên nhân khiến VCCI đề xuất bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc là bởi, sau hơn 10 năm triển khai Nghị định 103/2008/NĐ-CP, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm).

Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của ôtô là khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ là 31%. VCCI cho rằng, nhìn về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.

vcci-de-xuat-bo-bao-hiem-bat-buoc-voi-xe-may-1667956357.jpg
VCCI đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy (ảnh minh họa)

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ trường hợp xe máy. Theo đó, việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác sẽ dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận của các bên.

Cũng trong văn bản góp ý, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc công khai thông tin, dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm xe cơ giới.

Tại Việt Nam, có nhiều đơn vị bán bảo hiểm xe máy như: Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm Quân đội MIC, Tổng công ty bảo hiểm PVI, PTI của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện hay VNI của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Hàng không, Pjico của Tổng công ty bảo hiểm Petrolimex…

Theo tìm hiểu của PV, doanh thu từ bảo hiểm bắt buộc xe máy của các công ty đang đóng góp một phần khá lớn trong cơ cấu doanh thu bảo hiểm của doanh nghiệp. Đáng nói, dù nguồn thu đưa về lớn, song chi phí chi bồi thường bảo hiểm xe cơ giới lại chiếm không đến 50%./.