Vàng da là tình trạng nhiễm sắc tố vàng ở mô da, niêm mạc mắt do lượng Bilirubin trong máu vượt quá 17mmol/l. Nguyên chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do các bệnh lý của gan và hệ thống mật.
Bại não vì vàng da
GS Nguyễn Thanh Liêm – nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết ông vừa tiếp nhận tư vấn cho một cháu bé 3 tuổi ở Quảng Trị bị bại não. Cháu bé bị bại não do biến chứng của vàng da sơ sinh bệnh lý nhưng không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bị bại não khiến cháu bé 3 tuổi nhưng chỉ có 9 kg, cháu bé không thể bò, lẫy, đi như bình thường. Đây là một điều thực sự đáng tiếc. Trong khi đó, vàng da ở trẻ sơ sinh có nhiều người lại coi thường vì nghĩ đó chỉ là sinh lý của trẻ nhỏ.
Theo bác sĩ nhi khoa Trương Hoàng Hưng – bác sĩ tại Hoa Kỳ, vàng da sơ sinh là do cơ thể bé tạo ra nhiều chất bilirubin từ hồng cầu bị phân hủy mà gan chuyển hoá không kịp, đó thực ra là hiện tượng sinh lý và thường giảm dần sau tuần đầu, tuy nhiên có thể bị nhiều hơn do một số bệnh lý kèm theo. Nếu tăng quá cao, chất bilirubin sẽ vào trong não, gây tổn thương não vĩnh viễn. Do vậy việc phát hiện vàng da sớm và theo dõi khi nào cần điều trị là rất quan trọng.
Nhận biết vàng da bệnh
Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc – Bệnh viện Medlatec cho biết ranh giới giữa vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý là rất mong manh.
Khi trẻ bị vàng da bệnh lý thì các triệu chứng của bệnh sẽ xuất hiện sớm trong vòng 24 giờ sau sinh. Các mẹ có thể nhận biết được bệnh thông qua các triệu chứng điển hình như trẻ bị vàng da toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân, kể cả niêm mạc mắt cũng bị vàng da. Mức độ da vàng đậm hơn bình thường.
Vàng da bệnh lý lâu khỏi hơn, có thể kéo dài hơn 1 tuần đối với trẻ sinh đủ tháng và 2 tuần với trẻ sinh non. Lượng Bilirubin trong máu tăng vượt quá mức bình thường. Xuất hiện thêm các triệu chứng bất thường như: sốt, co giật, bỏ bú hoặc ngủ li bì,…
Còn vàng da sinh lý xuất hiện từ 1 - 2 ngày sau sinh và tự hết trong vòng 1 tuần (hoặc 2 tuần đối với trẻ sinh non). Đối với trẻ sinh đủ tháng, hàm lượng bilirubin trong máu không quá 12mg%; còn ở trẻ sinh non không quá 15mg%. Đồng thời, tốc độ tăng bilirubin trong máu luôn dưới 5mg%/24 giờ.
Biến chứng nguy hiểm của vàng da bệnh lý đó là vàng da nhân. Đây một biến chứng xảy ra khi lượng Bilirubin vượt quá giới hạn cho phép khiến gan không lọc thải kịp. Do đó, Bilirubin dễ bị thấm vào não gây vàng da nhân ở trẻ sơ sinh. Biến chứng này gây tổn thương não bộ và không thể phục hồi được. Đây là tình trạng vô cùng độc hại đối với tế bào não.
BS Ngọc cho biết việc xác định sớm trẻ bị vàng da bệnh lý để điều trị trước 7 ngày sau sinh là rất quan trọng, nhằm ngăn ngừa nguy cơ tổn thương não.
Đối với những trẻ được chẩn đoán là bị vàng da sinh lý mức độ nhẹ thì các mẹ chỉ cần điều trị tại nhà bằng cách tắm nắng. Sau khoảng 1 - 2 tuần thì hiện tượng vàng da sinh lý sẽ tự khỏi.
Điều trị vàng da nhằm mục đích giảm bilirubin trong cơ thể, có 2 cách chính là chiếu đèn và thay máu.
Chiếu đèn là dùng đèn chiếu có sóng bức xạ 450-460 chiếu vào da chứ không phải đèn neon, ở mức sóng này, bilirubin sẽ hấp thu ánh sáng và chuyển hoá thành dạng đồng phân có thể hoà tan trong nước và thải qua thận.
Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên chú ý triệu chứng vàng da của trẻ để theo dõi sát sao. Nếu vàng da lâu cần đi khám bác sĩ. Không quá chú trọng phơi nắng vì để phơi nắng chữa vàng da trẻ cần phơi nắng ngoài trời từ 8h sáng đến 16h chiều, cởi hết quần áo mới có tác dụng. Điều này, trẻ chưa hết vàng da đã bị cảm lạnh và bỏng da.