Việc phát hiện các cơ sở tiêm vaccine giả tại nhiều thành phố như Mumbai và Kolkata đã gây chấn động dư luận Ấn Độ. Nhà chức trách nước này cam kết sẽ có hành động kiên quyết chống lại việc tiêm chủng trái phép. Truyền thông Ấn Độ cho biết, hàng nghìn người có nhu cầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 đã trở thành những con mồi béo bở của trò lừa đảo này.
Mới đây, cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ Debanjan Deb – kẻ điều hành một trung tâm tiêm vaccine giả quy mô lớn. Debanjan Deb đã mạo danh là một công chức nhà nước để lừa tiêm cho khoảng 2.000 người, trong đó có một nhà lập pháp của Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền.
Tại thủ đô tài chính Mumbai của Ấn Độ, ít nhất 2.053 người đã bị tiêm vaccine Covid-19 giả tại 9 cơ sở tiêm chủng trái phép do một công ty tổ chức sự kiện lập ra. Cảnh sát phát hiện tất cả các lọ vaccine có nhãn hiệu Covishield và Covaxin đều là giả, thay vì đó chúng chứa Amikacin, một loại thuốc kháng sinh được sử dụng để chữa một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Cho đến thời điểm hiện tại, cảnh sát đã bắt giữ 6 đối tượng. Riêng Debanjan Deb bị buộc tội cố ý giết người.
Điều này xảy ra như thế nào?
Phát biểu với DW, Vishwas Patil, một quan chức cảnh sát cấp cao cho biết: “Một đường dây có tổ chức có liên quan đến các vụ tiêm vaccine giả này. Chúng tôi phải đề phòng ngay bây giờ”.
Hiện, chính phủ liên bang đang nỗ lực trấn an dư luận bằng cách hạ thấp vụ bê bối này, tuyên bố những trường hợp nói trên là do “sai sót và kém hiểu biết”.
Ông Lav Agarwal, một quan chức cấp cao tại Bộ Y tế Ấn Độ: “Chúng tôi đã tiêm cho hơn 330 triệu người. Có thể dễ dàng phát hiện những trường hợp như vậy (tiêm vaccine giả) khi bạn không nhận được tin nhắn từ ứng dụng CoWin. Chúng tôi đang liên hệ với các cơ quan chức năng để thực thi hành động đối với thủ phạm”.
Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Ấn Độ dựa vào CoWin, một nền tảng kỹ thuật số trực tuyến do Bộ Y tế nước này phát triển để cung cấp thông tin về nguồn vaccine, nhiệt độ bảo quản và theo dõi những người được tiêm.
Chính quyền bang Tây Bengal đã đình chỉ hoạt động của tất cả các trung tâm tiêm chủng, ngoại trừ các trung tâm của các bệnh viện tư nhân và nhà nước. Cơ quan y tế của bang đã quyết định rà soát lại hướng dẫn cho các cơ sở tiêm chủng.
Một quan chức y tế giấu tên ở thành phố Kolkata cho biết: "Mọi người đang bị chấn động bởi những vụ việc này. Chúng tôi sẽ phải mở cửa lại các cơ sở một cách cẩn thận và có nhiều biện pháp phòng ngừa hơn. Chúng tôi sẽ khuyến cáo mọi người cảnh giác hơn".
Những kẽ hở trong quản lý chiến dịch tiêm chủng
Các chuyên gia cho rằng, việc triển khai chiến dịch tiêm phòng một cách chậm chạp và quá trình đặt lịch hẹn tiêm vaccine trên ứng dụng do chính phủ quản lý kéo dài đã khiến nhiều người bức xúc. Các phần tử tội phạm coi đây chính là cơ hội để kiếm tiền.
Shally Awasthi, nhà nghiên cứu nhi khoa tại Đại học Y King George ở Lucknow cho biết: “Giá tiêm vaccine ngừa Covid-19 không đồng đều đang tạo ra sự chia rẽ trong xã hội. Còn người dân thì vội vã đi tiêm ngừa do nhu cầu cấp thiết hiện nay. Vì thế, nhà chức trách cần phải hành động kiên quyết để ngăn chặn những trường hợp tương tự trong tương lai".
Các chuyên gia y tế cho biết, Ấn Độ cần ít nhất từ 130.000 đến 140.000 trung tâm tiêm chủng, hơn 100.000 chuyên gia y tế và 200.000 nhân viên hỗ trợ để tiêm phòng cho các nhóm ưu tiên với số lượng ước tính hơn 300 triệu người.
“Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người dân Ấn Độ trở thành con mồi của các vụ tiêm phòng vaccine giả. Ngay cả những người thuộc tầng lớp trung lưu cũng đang hoảng sợ ”, Vineeta Bal, nhà khoa học tại Viện Miễn dịch học Quốc gia lưu ý.
VOV.VN - Một nghiên cứu mới của công ty dược phẩm Johnson & Johnson (J&J) chỉ ra rằng, vaccine 1 liều của họ có khả năng chống lại biến thể Delta.
Đánh vào tâm lý người dân
Theo công ty phần mềm máy tính McAfee, Ấn Độ và Chile là hai mục tiêu hàng đầu thế giới bị các ứng dụng giả mạo nhắm đến để dụ dỗ người dân bằng lời hứa tiêm phòng vaccine.
"Khi hầu hết thế giới vẫn lo lắng về dịch Covid-19 và việc tiêm phòng vaccine, tội phạm mạng đang nhắm mục tiêu vào những nỗi sợ hãi này bằng các ứng dụng giả mạo, bằng tin nhắn văn bản và lời mời trên mạng xã hội. Phần mềm độc hại và các đường link ẩn bên trong những quảng cáo hay thông tin giả này sẽ cố gắng lấy cắp thông tin cá nhân của người dùng như tài khoản ngân hàng và mật khẩu đăng nhập”, công ty McAfee cho biết trong một báo cáo vào tháng 4/2021.
Giới phân tích cho rằng, các cơ quan chức năng, công ty vaccine, đối tác trong chuỗi cung ứng và người tiêu dùng cần phải phối hợp với nhau để đảm bảo quá trình tiêm chủng diễn ra an toàn và hiệu quả. “Về cơ bản, vấn đề nảy sinh trong quá trình phân phối”, nhà virus học Shahid Jameel nói với DW.
Ngoài vấn nạn vaccine giả, thuốc giả cũng xuất hiện tràn lan tại Ấn Độ. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), gần 20% các dược phẩm được bán ở Ấn Độ trong năm 2019 là giả. Một cuộc khảo sát năm 2015 của Tổ chức Kiểm soát Tiêu chuẩn Thuốc Trung ương - cơ quan quản lý quốc gia của Ấn Độ về dược phẩm và thiết bị y tế cho biết, có khoảng 4,5% các loại thuốc ở Ấn Độ là giả hoặc kém chất lượng./.