“Liên minh phương Bắc” mới
Một số phương tiện truyền thông của Mỹ cho biết, ngày 18/8 là thời điểm bắt đầu xuất hiện một “liên minh chống lại Taliban” mới ở các khu vực phía Bắc Afghanistan, nơi mà trước đây nhóm này có sự hiện diện yếu hơn nhiều. Hiện tại, lực lượng của Ahmad Massoud, con trai thủ lĩnh Liên minh phương Bắc, Ahmad Shah Massoud - người đã bị các chiến binh al-Qaeda sát hại hiện đã co cụm trên địa bàn tỉnh Panjshir.
Ngoài ra, tàn dư của quân đội Afghanistan và lực lượng đặc biệt, không đứng về phía Taliban, đã rút về đây. Phó Tổng thống thứ nhất của Afghanistan, Amrullah Saleh là người lãnh đạo lực lượng này, được cho là được trang bị tốt với các máy bay trực thăng vận tải của riêng mình.
Tuy nhiên, Liên minh phương Bắc mới, cố thủ ở Panjshir, sẵn sàng bảo vệ tỉnh này và ngăn nó nằm dưới sự kiểm soát của phong trào Taliban, nhưng tuyên bố thiếu vũ khí, đạn dược và thiết bị.
“Liên minh phương Bắc” mới, được tổ chức trên lãnh thổ Panjshir, đã yêu cầu Mỹ và các đồng minh phương Tây cung cấp vũ khí, đạn dược và thiết bị để chống lại Taliban. Ahmad Masud, người lãnh đạo cuộc kháng chiến ở tỉnh Panjshir, nơi sinh sống của người dân tộc Tajik, đã đưa ra yêu cầu.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Taliban tuyên bố ý định nhận về Afghanistan các thiết bị quân sự và vũ khí cùng với các quân nhân Afghanistan vốn đang ở trên lãnh thổ của các nước láng giềng. Phong trào này đặc biệt quan tâm đến các máy bay trực thăng và máy bay của Không quân Afghanistan, hiện đang ở Uzbekistan và Tajikistan. Theo số liệu mới nhất, chỉ riêng tại thành phố Termez của Uzbekistan đã có hơn 40 máy bay các loại của Afghanistan.
Cuộc chiến mới
Trong bối cảnh mức tín nhiệm của chính quyền Joe Biden đã giảm xuống mức thấp kỷ lục sau khi Mỹ rút quân, Washington có vẻ sẽ không chấp nhận việc Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan và dự kiến sẽ tiếp tục hoạt động chống lại thế lực này trong tương lai gần.
Tuy nhiên, với việc Taliban hiện đại diện cho chính phủ Afghanistan, bản chất của cuộc xung đột này có thể sẽ rất khác so với 20 năm trước. Taliban sẽ phản ứng như thế nào và liệu điều này có thúc đẩy chính phủ mới ở Kabul củng cố mối quan hệ an ninh và kinh tế với các quốc gia láng giềng như Iran, Trung Quốc và Pakistan hay không, vẫn còn phải chờ xem.
Ngày 17/8, có thông báo rằng tài sản của chính phủ Afghanistan tại Mỹ đã bị đóng băng - có lẽ cho đến khi một chính phủ phù hợp hơn với các lợi ích của phương Tây có thể được đưa lên nắm quyền, nếu không muốn nói là vô thời hạn. Cũng hôm đó, Tổng thống Mỹ Biden nói rằng, Mỹ có kế hoạch tiếp tục các hoạt động quân sự ở Afghanistan sau đợt rút quân cuối cùng của quân đội Mỹ dự kiến vào ngày 31/8.
Được biết, Tổng thống Pakistan Imran Khan đã thẳng thừng từ chối yêu cầu của CIA về việc sử dụng lãnh thổ của đất nước ông cho các hoạt động tấn công trong tương lai qua biên giới Afghanistan sau khi Mỹ rút quân, điều này đã đặt ra câu hỏi về cách Mỹ có thể tấn công Taliban hoặc các chi nhánh của phong trào này trong tương lai.
Với việc Afghanistan đã bị chặn lại, phương án Mỹ tấn công từ biển có khả năng bị loại trừ vì nó đòi hỏi xâm phạm không phận của các nước láng giềng của quốc gia này. Theo nhiều chuyên gia, Lầu Năm Góc có thể sẽ chuyển sang một cuộc 'chiến tranh bằng máy bay không người lái' hiệu quả hơn về chi phí, tương tự như ở Somalia và ở Yemen trước năm 2015, nơi không yêu cầu binh lính trên mặt đất.
Một nỗ lực khác của Mỹ chống lại Taliban có thể tập trung vào cả các biện pháp trừng phạt kinh tế để gây áp lực giảm mức sống và hỗ trợ cho các phần tử nổi dậy có thể được phương Tây đào tạo, cung cấp kinh phí và thông tin tình báo… Ngày 18/8, các hình ảnh cho thấy, sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ tại sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở Kabul đã được công bố rộng rãi, sân bay này dự kiến sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ cho đến cuối tháng khi việc rút quân hoàn tất. Tuy nhiên, vai trò của Mỹ đối với đất nước Afghanistan sau thời điểm đó vẫn còn rất bất định./.