Ma túy hiện nay không chỉ là nhóm thuốc gây nghiện như thuốc phiện, heroin, morphine… mà ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới như nước dâu, nước xoài, tem giấy, nấm thần, bóng cười. Đối tượng sử dụng ma túy ngày càng đa dạng hơn, không riêng đối tượng có trình độ văn hóa thấp, không nghề nghiệp, có tiền án, tiền sự… mà còn có cả học sinh, sinh viên, giới tri thức với độ tuổi ngày càng trẻ hóa. Thực tế đó khiến các cấp, các ngành và toàn xã hội phải tích cực hơn, quyết liệt hơn trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy.
Bên cạnh việc tuyên truyền phòng chống ma túy tại các trường học, công tác tuyên truyền về hệ lụy của ma túy thường xuyên cần được đẩy mạnh đến từng hộ gia đình, từng người dân. Vai trò của cán bộ cơ sở trong công tác phòng chống ma túy tại địa phương là vô cùng quan trọng.
Vừa qua, Trung tâm Chính trị và Phòng tư pháp quận Đống Đa đã tổ chức lớp “Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ cơ sở” nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật phòng chống ma túy cho hơn 600 người tham dự, bao gồm các lãnh đạo Quận, lãnh đạo UBND các phường, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật quận; Trưởng các phòng, ban ngành và đoàn thể quận; Báo cáo viên pháp luật quận; đại diện lãnh đạo UBND phường; Trưởng, phó các đoàn thể chính trị xã hội phường; Công chức tư pháp UBND phường, Tuyên truyền viên pháp luật và Hòa giải viên cơ sở của phường…
Khi tham gia lớp bồi dưỡng, các cán bộ cơ sở quận Đống Đa được phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến Luật phòng, chống ma túy năm 2021, các kiến thức cơ bản về ma túy và tác hại của ma túy. Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD trực tiếp trình bày các bài giảng về thực trạng ma túy, kiến thức ma túy và Luật phòng chống ma túy 2021.
Chia sẻ sau lớp bồi dưỡng, bà Vũ Thị Thanh Bình (phường Hàng Bột) cho biết: “Ngay tại tổ dân phố của tôi, tôi cũng nắm được một số đối tượng có dấu hiệu sử dụng ma túy. Là một cán bộ cơ sở, chúng tôi cũng quan tâm sát sao tới các đối tượng này. Tuy nhiên, sau buổi hôm nay, tôi mới được biết rằng đối tượng sử dụng ma túy hiện nay còn có cả các cháu học sinh cấp 2, cấp 3 mà trước đây tôi không nghĩ rằng học sinh sẽ sử dụng ma túy. Tôi cũng được trau dồi các kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện công tác tuyên truyền tới từng hộ gia đình, cùng xây dựng xã phường lành mạnh.”
Ông Nguyễn Hữu Bảo (phường Láng Thượng) cũng cho biết: “Qua sự hướng dẫn của các chuyên gia, tôit thấy thực trạng tội phạm ma túy ngày càng phức tạp. Tôi có thêm kiến thức về các loại ma túy mới và cách phòng chống từng loại ma túy, cách tiếp cận các đối tượng ma túy trong địa phương để từng bước giúp đỡ họ từ bỏ ma túy, sống có ích cho xã hội.”
Tại nhiều địa phương khác trên cả nước, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phòng chống ma túy cũng được quan tâm, các cấp, các ngành vận động nhân dân tham gia phòng, chống ma túy với nhiều nội dung, hình thức; lồng ghép vận động phòng, chống ma túy với các cuộc thi, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tọa đàm, tập huấn, nói chuyện chuyên đề tại các cơ quan, thôn, làng, tổ dân phố, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của cán bộ, công chức, quần chúng nhân dân trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm ma túy, tạo chuyển biến về nhận thức pháp luật và ý thức, trách nhiệm của toàn dân tham gia phòng, chống, kiểm soát ma túy.
Việc triển khai bồi dưỡng kiến thức pháp luật phòng chống ma túy tại cơ sở nhằm góp phần thiết thực kéo giảm số đối tượng liên quan đến ma túy, góp phần xây dựng xã, phường lành mạnh, giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mô hình này cần nhân rộng tới từng địa phương trên khắp cả nước để từng bước đẩy lùi ma túy ra khỏi cộng đồng./.