Sau 15 tháng hạn chế các tương tác xã hội, luôn đeo khẩu trang ở mọi nơi và cách xa xã hội ở mức tối đa nhất và chỉ đến khi tiêm đầy đủ hai mũi tiêm vaccine cho chính mình, chồng và con trai tuổi teen của họ, Suzanne (người không muốn sử dụng tên thật của mình trong bài) và gia đình cô ấy cuối cùng mới nguôi ngoai nỗi sợ hãi mang tên COVID-19 và bắt đầu gặp gỡ lại bạn bè và các thành viên trong gia đình.
Tuy nhiên, trong khi gia đình của Suzanne được tiêm phòng đầy đủ thì nhiều người họ hàng trong gia đình chồng của cô - những người phản đối việc tiêm phòng vì lý do tôn giáo - lại không hề chủng ngừa. Hơn nữa, họ rất lơ là việc đeo khẩu trang và do đó, họ đã bị từ chối không cho tham gia vào các cuộc tụ họp gia đình gần đây của nhà Suzanne.
Trong vài tháng qua, sự bùng nổ việc tiêm vaccine cho những công dân từ 12 tuổi trở lên tại Mỹ đã giúp giảm bớt xu thế những hành vi cảnh giác dịch bệnh được áp dụng trong đại dịch. Nhưng Nhà Trắng thừa nhận rằng 70% người trưởng thành tại Mỹ đã được tiêm phòng một mũi vaccine có thể không kịp tiêm mũi thứ 2 trước thời hạn 4/7 tới, vì những lý do khách quan lẫn sự không vội vã của cá nhân.
Do đó, một đại dịch – vốn đã tạo ra những vết nứt hình thành giữa những người đeo khẩu trang và những người không đeo khẩu trang, giữa những người coi COVID-19 là sự đe dọa nghiêm trọng và những người thờ ơ với nó - giờ đây lại mở ra sự phân chia xã hội mới: những người tiêm chủng và những người chưa được tiêm chủng.
Câu chuyện của gia đình cô Suzanne không hề là cá biệt. Có rất nhiều câu chuyện tương tự. Nhiều gia đình lớn có kế hoạch tụ họp trong kỳ nghỉ lễ sắp tới song thiếu vắng đi những thành viên chưa chủng ngừa.
Một người ông không đi tiêm phòng vaccine COVID-19, khi đến nhà con để thăm đứa cháu mới chào đời đã bị gia đình con từ chối mời vào nhà. Người bạn thân đi dự đám cưới của bạn phải quay trở về vì đám cưới chỉ mở cửa cho những khách đã được tiêm phòng.
Vào thời điểm mà mọi thứ trở lại "bình thường”, sự bị kỳ thị, không được chào đón, sự khó xử, cảm giác bị tổn thương và cảm giác bị đánh giá đang khiến nhiều mối quan hệ xã hội trở nên xấu đi tồi tệ, dẫn tới những xung đột xã hội nghiêm trọng.
Anh Robert Johnson, chủ sở hữu doanh nghiệp chế biến gỗ Sawinery tại Mỹ cho biết rằng gia đình anh đang phải "hết sức cẩn thận" về mặt xã hội vì con anh chưa được tiêm phòng. (Cả Johnson và vợ, sống ở Connecticut, đều được tiêm phòng đầy đủ).
“Chúng tôi vẫn không nhận tiếp đón những khách đã trải qua 2 tuần kể từ sau khi họ tiêm liều vaccine thứ 2” – anh Johnson cho biết. Anh này còn cho hay trong buổi sinh nhật gần đây mà anh tổ chức cho con trai mình, gia đình anh đã áp dụng nghiêm ngặt quy định “chưa tiêm vaccine, không được mời vào tham dự”.
Johnson thừa nhận rằng sự cảnh giác này của gia đình anh đã dẫn đến "một số căng thẳng" đối với những người thân chưa được tiêm chủng.
"Và cho đến nay, những thành viên trong gia đình chưa tiêm chủng từ chối nói chuyện và cắt đứt quan hệ với chúng tôi. Nhưng chúng tô đành chịu thôi, vì sự an toàn của chính mình. Cách duy nhất để chấm dứt đại dịch này là chúng tôi phải tin tưởng vào khoa học” – anh Johnson cho hay.
Còn anh Steve Morrow - người sáng lập blog Kayaking – cho hay bản thân, dù đã được tiêm phòng, nhưng không giới hạn các tương tác xã hội của mình với những người không tiêm phòng. "Về phía cá nhân tôi, tôi không quan tâm và sẽ tiếp xúc với bất cứ ai" – Morrow cho hay.
Nhưng sự khác biệt về tình trạng tiêm chủng vẫn đang tàn phá trong vòng kết nối xã hội của anh ấy. Cha mẹ của anh ấy, những người đã ngoài 80 tuổi, từ chối tiêm chủng và đã khiến Morrow và vợ anh ấy "cảm thấy không thoải mái" về quyết định của chính họ. Morrow cũng có những người bạn từ chối không gặp gỡ bất kỳ ai chưa tiêm vaccine COVID-19.
"Chắc chắn là rất khó xử trong những cuộc gặp có những người ở hai phía đối lập như vậy. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng vaccine COVID-19 sẽ gây ra sự rạn nứt như vậy trong xã hội và các nhóm bạn của chúng tôi. Đó là một chủ đề gây chia rẽ ngay bây giờ” – anh Morrow cho biết.
Nhà trị liệu tâm lý Hannah Tishman khuyến cáo rằng không nên coi những quyết định cá nhân về sức khỏe hoặc những ranh giới mà họ đặt ra là sự sỉ nhục cá nhân.
“Mọi người đều phải điều chỉnh mức độ thoải mái của riêng mình và ủng hộ sự an toàn cá nhân và cảm giác an toàn của chính họ. Mọi người đều có trải nghiệm khác nhau trong đại dịch, một số trải qua mức độ chấn thương cao hơn những người khác.
Điều quan trọng là chúng ta nhận thức được và không phán xét khi chúng ta biết những lựa chọn của người khác liên quan đến việc tiêm chủng của họ” – bà Tishman khẳng định./.