Tiếp tục chương trình làm việc phiên thứ 57, sáng 15/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm.
Việt Nam được nâng điểm triển vọng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng dự báo đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019. Chi NSNN ước đạt 43% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch.
“Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng lên “Tích cực”” - ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thảo luận về nội dung này, bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng trong điều kiện khó khăn do dịch Covid-19 thì chỉ số tăng trưởng 5,8% trong 6 tháng là nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò đóng góp rất lớn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nhờ đó mà ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, và thanh khoản được đảm bảo.
Đồng quan điểm về việc phải đảm bảo được giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng môi trường đầu tư kinh doanh cần được giám sát tốt, bởi có như vậy sau dịch bệnh thì phát triển kinh tế mới duy, nếu không sẽ trì trệ.
Hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19 còn chậm
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, dịch Covid-19 là thách thức lớn chưa từng có, nhưng nước ta đã kiềm chế sự lây lan và giữ vững tăng trưởng kinh tế, là số ít trong các quốc gia có được tăng trưởng dương. Song điều được nhiều đại biểu băn khoăn chính là chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang triển khai rất chậm trong khi điều này góp phần động viên tinh thần và sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, tính đến ngày 27/5, gói hỗ trợ tiền mặt thực hiện được khoảng 13.100 tỷ đồng/35.880 tỷ đồng, tương ứng với 36,5% quy mô gói hỗ trợ. Gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc thông qua chính sách cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với quy mô 16.000 tỷ đồng đã giải ngân cho 245 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động với số tiền 41,8 tỷ đồng, tương ứng với 0,26% quy mô gói hỗ trợ…
Theo ông Vũ Hồng Thanh, các gói hỗ trợ chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn, đặc biệt là người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, do vậy cần được đánh giá kỹ hơn trong báo cáo của Chính phủ.
Theo đánh giá của ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, việc thực hiện một số chính sách chi ngân sách cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 chưa đạt kết quả như dự kiến. Do chưa dự báo được đầy đủ tác động của đại dịch Covid-19 trên từng địa bàn nên việc xác nhận đối tượng là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm để được nhận hỗ trợ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giảm cả đối tượng và số tiền trợ cấp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng là quan trọng, nguồn lực lớn tuy nhiên chưa đạt mục tiêu, có cái chỉ đạt 0,26% quy mô hỗ trợ. Do đó cần đánh giá rõ thêm nguyên nhân khác quan, chủ quan và hướng tới sẽ xử lý như thế nào.
Trước thực tế trên, các ý kiến đề nghị cần rà soát lại vì ngoài những chính sách đang hỗ trợ thì còn đang có những chương trình liên quan đến phòng, chống Covid-19 nên phải tính toán để các đối tượng khó khăn bị thiệt hại được hỗ trợ kịp thời./.