dsc-2956-1646700016.jpg
Quốc lộ 48 có mặt đường quá nhỏ, hẹp, bị hạn chế về cấp đường cần ưu tiên nguồn lực để đầu tư mở rộng.

Theo phản ánh của cử tri tỉnh Nghệ An, Quốc lộ 48 là tuyến đường bộ chủ yếu để đi, đến huyện Quế Phong, tuy nhiên, tuyến đường này dài 54km từ km75+00 đến km112+00 Quốc lộ 48 và từ km248+00 Quốc lộ 16, đi trùng với Km112+00 Quốc lộ 48, đến Km255+00 Quốc lộ 16, bị hạn chế về cấp đường, không cho phép xe giường nằm hoạt động, ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Vì vậy, cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp đoạn đường nói trên.

Trả lời kiến nghị cử tri tại công văn số 1733, Bộ Giao thông vận tải cho biết, đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cân đối đến 12.642,3 tỷ đồng để thực hiện các dự án.

Bộ Giao thông vận tải ghi nhận đề nghị của cử tri tỉnh Nghệ An về việc đầu tư nâng cấp mở rộng các đoạn tuyến nêu trên thuộc Quốc lộ 16, Quốc lộ 48, tuy nhiên, do khó khăn trong cân đối nguồn lực nên Bộ chưa thể cân đối được nguồn vốn để thực hiện đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 16, Quốc lộ 48 qua địa bàn tỉnh Nghệ An.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn đầu tư công trung hạn của Bộ Giao thông vận tải được Quốc hội, Chính phủ phân bổ rất hạn hẹp và cần ưu tiên bố trí cho cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hoàn thành các dự án đang bị dừng dãn tiến độ, trả nợ vốn ứng trước, trả nợ các dự án BT,…

"Do khó khăn trong cân đối nguồn lực nên chưa thể triển khai thực hiện đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ như kiến nghị của cử tri", Bộ Giao thông vận tải cho biết.

Bộ Giao thông vận tải cho biết thêm, Quốc lộ 16 được đầu tư đoạn Km252+550-Km255+400 có quy mô cấp III miền núi, 2 làn xe, đoạn từ Km255+400-Km278+000 đạt tiêu chuẩn cấp V-VI, mặt đường bê tông nhựa.

Còn Quốc lộ 48 được đầu tư đoạn Km90+500-Km92+643 có quy mô cấp III miền núi, 2 làn xe, các đoạn từ Km75+000-Km90+500 và Km92+643-Km112+400 đạt tiêu chuẩn cấp V, mặt đường bê tông nhựa.

"Theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, không sử dụng xe ô tô khách có giường nằm hai tầng để hoạt động trên các tuyến đường cấp V và cấp VI miền núi. Do hiện trạng tuyến đường chưa đảm bảo đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi trở lên nên chưa đủ điều kiện để xe giường nằm có thể hoạt động", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Trước mắt, Bộ Giao thông vận tải sẽ giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường duy tu, sửa chữa từ nguồn vốn bảo trì đường bộ để đảm bảo khai thác an toàn và kết hợp kiểm tra hiện trường để từng bước cải tạo các vị trí đường cong bán kính nhỏ. 

Ngoài ra, bên cạnh những dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Nghệ An được Bộ Giao thông ưu tiên nguồn vốn đầu tư công trung hạn, địa phương cũng cũng dành nguồn lực lớn hàng nghìn tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng giao thông như các tuyến đường giao thông liên xã, liên huyện, đấu nối, mở rộng tỉnh lộ, quốc lộ.

Đơn cử như dự án Cầu Đò Cung bắc qua sông Lam trên địa bàn huyện Thanh Chương có quy mô nguồn vốn đầu tư 150 tỷ đồng; Cầu Quỳnh Nghĩa ở huyện Quỳnh Lưu nguồn vốn 205 tỷ đồng...

Sửa chữa, nâng cấp đường tỉnh 534C đi cửa khẩu Vều, huyện Anh Sơn nguồn vốn hơn 145 tỷ đồng; tuyến đường tránh Quốc lộ 48 đoạn qua trung tâm đô thị thị xã Thái Hoá giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng; đường giao thông liên xã từ xã Tây Sơn đến Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn có nguồn vốn 250 tỷ đồng.../.