Giữa tiết trời lạnh cóng, mặc trên người chiếc áo ấm do đoàn thiện nguyện trao tặng, em Moong Thị Nhàn, học sinh lớp 5B, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Bắc Lý 1, xã Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) không giấu được nụ cười sung sướng: "Chiếc áo màu đẹp, mặc ấm".

Nhàn là con thứ hai trong một gia đình có 3 con, trên em là chị gái học lớp 6, dưới có em trai đang học mầm non. Bố mẹ làm nương rẫy, cuộc sống vô cùng vất vả. Vì thế họ quyết tâm cho con cái được học hành đầy đủ, hy vọng tương lai đổi khác. Cô bé Nhàn tuy còn ít tuổi nhưng đã nuôi trong mình mơ ước được trở thành bác sĩ.

1-1640138639.jpg
Em Moong Thị Nhàn cùng các bạn vừa đón nhận chiếc áo ấm trước mùa đông giá lạnh. Ảnh: Quốc Huy

Thầy Lâm Quốc Giáp (giáo viên chủ nhiệm lớp 5B) cho biết, em Nhàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mẹ bị mù loà từ khi em mới 3 tuổi.

“Cả bố và mẹ của Nhàn bị đau mắt lúc phun thuốc diệt cỏ trên nương rẫy. Do không đeo kính chắn bảo hộ nên cả hai vợ chồng về nhà bị đau mắt đỏ. Họ lấy thuốc cây, lá trong rừng chữa nhưng không khỏi bệnh.

Sau đó, dù cả hai cùng đi bệnh viện nhưng chỉ người chồng sáng mắt trở lại, còn vợ bị mù cho đến nay", thầy Giáp chia sẻ.

“Em muốn làm bác sỹ để chữa mắt cho mẹ, mong mẹ lại được nhìn thấy ánh sáng. Mẹ em bị mù lâu lắm rồi chú ạ. Mẹ em bảo 3 chị em cố gắng học, vâng lời thầy cô. Về nhà nghe lời bố mẹ và ông bà. Hàng ngày chị gái và em thay nhau chăm mẹ, nấu ăn, quét dọn, rửa bát. Mẹ nói với em là ước gì cho mắt mình được sáng trở lại”, em Nhàn thủ thỉ.

Giấc mơ sau mái nhà sàn

Rời sân trường, thầy Lâm Quốc Giáp lấy xe máy chở em Nhàn về nhà trên con dốc cao cách điểm trường không xa. Xuống xe, Nhàn bước nhanh lên ngôi nhà sàn cũ kỹ là nơi gia đình em đang ở nhờ ông bà nội lâu nay.

Bên trong nhà, chị Lưu Thị Xi (SN 1988, mẹ em Nhàn) đang ngồi bên bếp than. Xung quanh là vài chiếc nồi niêu, ấm nước và mấy bình nhựa bám đầy khói đen.

2-1640138668.jpg
Cổng vào nhà em Nhàn...
3-1640138675.jpg
... bước nhanh lên nhà gọi bố mẹ. Ảnh: Quốc Huy

Trao đổi với chúng tôi, anh Moong Văn Khon (SN 1987, bố của Nhàn) chia sẻ, năm 2012, vợ chồng anh cùng đi phun thuốc cỏ và làm rẫy. Khi về đến lán trong rừng thì cả hai phát hiện bị đỏ mắt mà không biết nguyên nhân.

Anh Khon đi tìm thuốc bôi vào mắt mình, sau đó mang thuốc lên nương bôi cho vợ. Thế nhưng chỉ mỗi mắt của anh Khon được trở lại lành lặn bình thường, còn mắt chị Xi mờ dần và không nhìn thấy mọi vật xung quanh nữa.

“Thuốc phun 2 tuần nhưng cỏ không chết. Không hiểu sao nhiều người khác cùng phun thuốc, cùng làm cỏ nhưng chỉ mỗi vợ chồng tôi bị đau mắt. Vợ bị mù khi cháu Nhàn mới được 9 tháng tuổi và cai sữa từ lúc đó”, anh Khon bộc bạch.

4-1640138713.jpg
Đứa trẻ mong mỏi mẹ mình sớm được nhìn thấy ánh sáng trở lại. Ảnh: Quốc Huy

Bản thân anh Khon là một người lính đã hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương mới xây dựng gia đình. Giờ đây, một mình anh phải gồng gánh làm nương rẫy, chăn nuôi để lo cho 3 đứa con ăn học cùng với người vợ mù loà khi mới ngoài 20 tuổi.

“Vợ tôi đã sống cảnh mù loà suốt 9 năm qua, khổ cực rất nhiều rồi mà không biết làm sao cả. Chỉ mong có ai đó giúp đỡ, chữa trị cho mắt vợ nhìn thấy trở lại để cùng chồng làm rẫy, nuôi con. Hàng ngày vợ chỉ ngồi quanh bếp mà không đi đâu ra khỏi nhà”, người đàn ông buồn bã, trên vai anh là gánh nặng gia đình quá lớn.

Nghe mọi người trò chuyện quanh bếp lửa, chị Lưu Thị Xi nói: “Muốn đi lại cũng không nhìn thấy chi nữa cả. Ước muốn nhất giờ là được nhìn thấy ánh sáng để đi lại bình thường như trước đây…”.

5-1640138739.jpg
Hai vợ chồng anh Moong Văn Khon, chị Lưu Thị Xi và thầy Lâm Quốc Giáp giáo viên chủ nhiệm em Nhàn
6-1640138746.jpg
Em Nhàn lấy khăn chuẩn bị lau mặt cho mẹ...
7-1640138753.jpg
... nhẹ nhàng lau mặt cho mẹ...

8-1640138765.jpgHai mẹ con ngồi buồn bên bếp lửa nhiều năm qua

9-1640138774.jpg
Em Nhàn bước ra khỏi nhà theo xe thầy Giáp chở đến trường học
10-1640138784.jpg
Học sinh toàn xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn được nhận những chiếc áo ấm giữa mùa đông lạnh ở vùng biên giới Nghệ An giáp nước bạn Lào./.