Trong một tuyên bố phát đi ngày 4/3, Bộ trưởng Văn hóa và Chính sách thông tin Ukraine Oleksandr Tkachenko lưu ý, hầu hết các hoạt động phá hoại của lực lượng Nga tại nước láng giềng được thực hiện từ trên không.
Ông Tkachenko cáo buộc: "Các tên lửa và máy bay Nga đang cố tình hủy hoại các trung tâm lịch sử của những thành phố lớn. (Tổng thống Nga) Putin muốn phá hủy di sản và văn hóa của châu Âu, xóa sạch chúng khỏi bề mặt trái đất. Ông ta đe dọa phá hủy Nhà thờ St. Sophia ở Kiev, nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ 11 và được UNESCO công nhận là di sản của thế giới. Hàng trăm nạn nhân vô tội, việc phá hủy hoàn toàn các nhà thờ, thánh đường và viện bảo tàng là cái giá của bầu trời vẫn còn để mở phía trên Ukraine".
Theo CNN, Bộ Văn hóa và Chính sách thông tin Ukraine thống kê, tại thành phố Kharkiv, các lực lượng Nga đã oanh tạc Nhà thờ Thăng thiên, các tòa nhà thuộc Học viện Nghệ thuật quốc gia Kharkiv và các khu ký túc xá của Học viện Văn hóa quốc gia Kharkiv.
Tại Ivankov, gần thủ đô Kiev, bảo tàng của "họa sĩ nổi tiếng thế giới Maria Pryimachenko, người có tác phẩm được danh họa Pablo Picasso ngưỡng mộ" đã bị bắn phá. Học viện Thiết kế và nghệ thuật trang trí quốc gia tại Kiev cũng bị hư hại vì đợt tấn công của binh lính Nga.
Nhà chức trách Ukraine hối thúc thế giới hành động để chấm dứt tình trạng trên.
Theo Reuters, ngay từ khi Moscow xúc tiến chiến dịch tấn công quân sự vào nước láng giềng ngày 24/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lêu gọi thiết lập một vùng cấm bay ở phía trên nước này nhằm chống lại Nga. Song, cho tới nay, Mỹ và các nước đồng minh NATO vẫn từ chối đáp ứng yêu cầu này.
Mặc dù một số nước bày tỏ sẵn sàng thảo luận về vùng cấm bay, nhưng họ cũng nêu rõ việc không coi đây là một giải pháp khả thi.
Ngoại trưởng Canada Melanie Joly nói, lằn ranh đỏ của NATO là tránh kích hoạt một cuộc xung đột lan rộng hơn. Trong khi, Văn phòng tổng thống Pháp mô tả vùng cấm bay là "đề nghị hợp pháp nhưng rất khó thỏa mãn".
Ukraine hiện không phải là thành viên của NATO. Liên minh không muốn can dự trực tiếp vào cuộc xung đột Ukraine - Nga, nhưng khẳng định sẽ bảo vệ lãnh thổ của các nước thành viên và đồng minh trước bất kỳ mối đe dọa nào từ Moscow. NATO cũng cam kết sẽ chuyển giao vũ khí cũng như viện trợ tài chính và nhân đạo cho Kiev.
Trong một diễn biến riêng rẽ cùng ngày 4/3, Josep Borrell, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về đối ngoại và chính sách an ninh kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn sau khi các lực lượng Nga pháo kích, gây hỏa hoạn tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu lục ở Ukraine. Ông Borrell cảnh báo, những vụ tấn công như vậy có thể gây ra các "thảm họa".
Trước đó, Cơ quan Thanh sát quản lý hạt nhân nhà nước Ukraine xác nhận, quân Nga đã thâu tóm quyền kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia. Theo một tuyên bố do Energoatom, công ty chuyên trách vận hành năng lượng hạt nhân của Ukraine chia sẻ trên Telegram, các nhân viên nhà máy tiếp tục làm việc nhằm “đảm bảo hoạt động ổn định của các cơ sở hạt nhân”. Khu vực lò phản ứng số 1 có bị hư hại nhưng không ảnh hưởng tới sự an toàn của nhà máy.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm, không có dấu hiệu nào cho thấy mức độ bức xạ tăng cao tại nhà máy Zaporizhzhia, nơi cung cấp hơn 1/5 tổng sản lượng điện của Ukraine./.