Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, tình hình dịch Covid-19 tại Nghệ An đang có những chuyển biến tích cực, song nguy cơ lây nhiễm vẫn còn rất cao. Còn có những F0 lẫn khuất trong cộng đồng, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương tiếp tục sàng lọc tích cực.

Điểm nóng thu hẹp, vùng xanh mở rộng

Tính đến nay, làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 tại Nghệ An có thể được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ ngày 6/5/2021 đến ngày 12/6/2021; giai đoạn thứ hai từ ngày 13/6/2021 đến 12/7/2021; giai đoạn thứ ba từ ngày 13/7/2021 đến nay... Ở mỗi giai đoạn này, cấp độ dịch, số ca nhiễm không ngừng tăng lên. Nếu như giai đoạn thứ nhất, Nghệ An chỉ có 5 ca nhiễm (1 ca cộng đồng, 4 ca phát hiện tại khu cách ly) thì từ giai đoạn thứ 2 và 3, trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận 1.775 bệnh nhân (số liệu đến sáng 10/9) mắc Covid-19 ở 21 huyện, thành, thị.

Tuyệt đối không chủ quan trước chuyển biến của dịch tại Nghệ An
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19. Ảnh tư liệu

Trước tình hình đó, Nghệ An đã triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu như: Giãn cách, cách ly xã hội; điều tra, truy vết; khoanh vùng lấy mẫu xét nghiệm diện rộng; cách ly y tế và điều trị cho bệnh nhân; tiêm vắc-xin phòng Covid-19... Cả hệ thống chính trị đã tích cực, tâm huyết, trách nhiệm triển khai nhiệm vụ. Người dân tỉnh nhà đã thực sự đoàn kết, ủng hộ, đồng hành trong công tác phòng, chống dịch. Mỗi phường, xã đã thực sự là một pháo đài; mỗi người dân đã thực sự là một chiến sĩ chống dịch.

Tuyệt đối không chủ quan trước chuyển biến của dịch tại Nghệ An
Bản đồ dịch tễ ở Nghệ An ngày 9/9. Ảnh Thành Chung

Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ, đúng hướng các giải pháp, công tác phòng, chống dịch ở Nghệ An đã và đang có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả tích cực. Tính từ đợt cao điểm ngày 14/8 (TP. Vinh tái bùng phát dịch), số ca nhiễm từng bước giảm dần sau khoảng 3 tuần triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, đặc biệt là giảm số ca trong cộng đồng. Bên cạnh đó, số ca khỏi bệnh cũng tăng nhanh (với 891 người đã khỏi bệnh). Toàn tỉnh từ chỗ có 14 địa phương thực hiện Chỉ thị 16 (riêng TP. Vinh thực hiện cao hơn Chỉ thị 16), 7 địa phương thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tưởng Chính phủ, đến nay chỉ còn 7 địa phương thực hiện Chỉ thị 16, 3 địa phương thực hiện Chỉ thị 15 và 11 địa phương thực hiện Chỉ thị 19, trở về trạng thái bình thường mới.

Tính đến ngày 10/9/2021, Nghệ An chỉ còn một số “điểm nóng” như: Thành phố Vinh (vùng đỏ - nguy cơ rất cao); thị xã Cửa Lò, huyện Diễn Châu, huyện Hưng Nguyên, huyện Nam Đàn, huyện Nghi Lộc (vùng cam - nguy cơ cao); huyện Đô Lương, huyện Yên Thành (vùng vàng - nguy cơ vừa). Và nội tại mỗi “điểm nóng”, tình hình dịch cũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuyệt đối không chủ quan trước chuyển biến của dịch tại Nghệ An
Nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng được điều trị khỏi. Ảnh: Thành Chung

PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Riêng tại thành phố Vinh, qua 4 lần lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng, đã phát hiện được 114 F0. Các “điểm nóng” tại thành phố Vinh đã được nhận diện rõ và thu hẹp dần. Hiện nay, ngành Y tế và thành phố Vinh đang đánh giá, xem xét để tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm ở 3 khối tại 2 phường Vinh Tân, Lê Lợi cùng toàn bộ xã Hưng Chính nhằm bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng”.

Với thị xã Cửa Lò, với sự chủ động chống dịch, địa phương này đã thực hiện 2 lần xét nghiệm diện rộng, phát hiện khá nhiều ca bệnh. Các vùng xanh ở thị xã cũng đã được mở rộng, bảo vệ vững chắc. Riêng phường Nghi Thủy với đặc thù có lượng người buôn bán lớn, liên quan đến nhiều ổ dịch chợ trong tỉnh nên cần tiếp tục xét nghiệm rà soát... Các địa phương như Hưng Nguyên, Diễn Châu và Nam Đàn, thời gian gần đây vẫn xuất hiện một số ca trong cộng đồng, tuy nhiên, đã kịp thời được khống chế, không để dịch lây lan rộng. Huyện Đô Lương và Yên Thành đã nhiều ngày chưa xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Tuyệt đối không chủ quan trước chuyển biến của dịch tại Nghệ An
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại thị xã Cửa Lò. Ảnh: Thành Chung

Theo đánh giá của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, dẫu có nhiều chuyển biến tích cực, song tại các địa phương trong tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Các cấp, ngành, hệ thống chính trị - xã hội cần tiếp tục tích cực vào cuộc đồng bộ, cần quan tâm chú ý theo dõi sát các biến động của dịch, cũng như kiểm soát chặt chẽ các trường hợp đi và về từ các vùng dịch...

Không thể lơi lỏng, chủ quan...

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở tỉnh Nghệ An còn gặp không ít khó khăn. Dễ nhận thấy nhất là dịch bệnh kéo dài làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các nguồn lực đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch còn khó khăn và hạn chế. Vẫn còn tình trạng người dân trở về vùng dịch nhưng không khai báo; việc quản lý những người này còn nhiều bất cập.

Công tác quản lý cách ly tập trung, cách ly tại nhà còn hạn chế. Có tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung và từ khu cách ly ra cán bộ phục vụ tại một số địa phương. Công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh ở các huyện miền núi bất cập, khó khăn do nhiều nguyên nhân khách quan. Nhân lực, trang thiết bị y tế, cơ sở điều trị, cơ sở cách ly, công tác xét nghiệm... còn nhiều khó khăn và hạn chế.

Tuyệt đối không chủ quan trước chuyển biến của dịch tại Nghệ An
Nghệ An đã làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh tư liệu

Cũng từ những khó khăn đó nên rải rác một số địa phương trong tỉnh vẫn và sẽ ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng và nguy cơ dịch lan rộng tiếp tục hiện hữu.

Đơn cử là huyện Quế Phong: Ngay sau khi địa phương này vừa kết thúc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg để phòng, chống dịch chỉ 1 ngày thì xuất hiện ngay 2 nhóm lây nhiễm mới tại xã Tri Lễ và xã Mường Nọc.

Nhóm lây nhiễm ở bản Liên Hợp, xã Tri Lễ gồm có 5 ca nhiễm trong 1 gia đình được phát hiện vào chiều 6/9. Nhóm lây nhiễm này có tiếp xúc gần với nhiều người; có mối liên quan với nhiều người dân trên 1 địa bàn rộng của 3 huyện Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn. Các lực lượng chức năng huyện Quế Phong đã xác định được ít nhất 155 trường hợp F1, trong đó có 35 F1 nguy cơ cao...

Nhóm lây nhiễm thứ hai gồm có 3 ca nhiễm, là mẹ và con, gì cháu ở tại xóm Phong Quang, xã Mường Nọc; được phát hiện vào chiều 7/9. Điều tra truy vết cho thấy, lịch trình di chuyển của ca nhiễm có liên quan tới nhiều xã, thị trong huyện do đặc điểm nghề nghiệp buôn bán lâm sản, nông sản.

Tuyệt đối không chủ quan trước chuyển biến của dịch tại Nghệ An
Lập chốt kiểm soát ngăn chặn Covid-9 ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Thành Chung

Đáng lưu ý, đến nay, nguồn lây nhiễm cho những người này vẫn chưa được xác định rõ. Theo nhận định của ngành Y tế Nghệ An: Rất có thể còn ít nhất 1 người trung gian lây bệnh khác mà cơ quan chức năng chưa thể tìm ra... Huyện Quế Phong có tới trên 7.000 công dân đi làm ăn ở ngoại tỉnh, nước ngoài. Từ ngày 27/4/2021 đến nay, có trên 2.000 người đã quay về địa phương để tránh dịch. Trong số đó, có tới 40 người được phát hiện nhiễm Covid-19 trong quá trình cách ly tại địa phương. Ngoài ra, còn có 1 ca bệnh tại xã Châu Kim, sau khi trở về địa phương đã không đi khai báo để được cách ly ngay mà về nhà 1 ngày tiếp xúc với nhiều người. Sau khi đi cách ly và lấy mẫu xét nghiệm, người này được xác định nhiễm Covid-19.

Tuyệt đối không chủ quan trước chuyển biến của dịch tại Nghệ An
Sau khi dừng thực hiện giãn cách xã hội 1 ngày, ở huyện Quế Phong xuất hiện 2 nhóm lây nhiễm Covid-19 mới. Ảnh: Thành Chung

Để công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới ở Nghệ An đạt được hiệu quả cao nhất, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An nêu rõ: “Các địa phương phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tỉnh; triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời chú ý đảm bảo an sinh xã hội, an ninh, trật tự trên địa bàn; căn cứ quy định các mức độ nguy cơ để chủ động nhận định phân vùng nguy cơ theo mức độ và có các giải pháp phù hợp”.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, các địa phương phải phát huy tối đa vai trò của tổ Covid-19 cộng đồng, tổ tự quản trên địa bàn trong việc quản lý, giám sát chặt chẽ di biến động về cư trú, lưu trú của người dân, phương tiện ra, vào địa bàn; chỉ đạo tổ chức để toàn bộ người dân tham gia ký cam kết thực hiện phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch; xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn; tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao ý thức, hành động của người dân...