BAO NHIÊU TƯỚNG NGA ĐÃ TỬ TRẬN Ở UKRAINE?
Các quan chức phương Tây cho biết Nga đã mất ít nhất 5 tướng lĩnh, trong đó có một tướng hai sao chiến đấu ở Ukraine trong vòng chưa đầy một tháng, do sự cố liên lạc và sự thiếu kỷ luật của hàng trăm nghìn binh sĩ mới nhập ngũ khiến việc truyền đạt mệnh lệnh tới tiền tuyến trở nên khó khăn hơn.
Nếu đúng như vậy, đây là tỉ lệ tướng lĩnh thương vong cao nhất trong Quân đội Nga kể từ sau Thế chiến thứ II.
Theo ông Mykhailo Podoliak, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine, các lực lượng Nga "hoàn toàn chưa sẵn sàng" cho cuộc chiến ở Ukraine. Trong khi đó, đánh giá của phương Tây về cái chết của các chỉ huy cấp cao của Nga có phần dè dặt hơn.
Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên nói với Foreign Policy rằng ít nhất 5 tướng Nga đã thiệt mạng. Con số này chiếm 1/5 trong 20 tướng lĩnh được cử tới chiến trường Ukraine theo ước tính của tình báo phương Tây.
Điều này làm cho đội quân của Nga giảm khả năng hoạt động và sa lầy hơn. Rủi ro tử trận của những vị tướng này phần lớn là do lỗi thiết bị liên lạc điện tử khiến họ dễ trở thành mục tiêu. Một lý do khác nữa là họ để một lực lượng lớn gần 200.000 quân - đa số họ là lính nghĩa vụ trẻ - tuân theo mệnh lệnh họ phải thường xuyên dẫn đầu trên chiến tuyến.
Mặc dù không có sự đối trực tiếp giữa các tàu chiến, số sĩ quan hải quân cấp cao bị thiệt mạng dường như chiếm tỉ lệ cao hơn, trong đó có Phó Tư lệnh Hạm đội Biển Đen Andrey Paliy bị lực lượng Ukraine hạ sát bên ngoài thành phố Mariupol đang bị bao vây.
Trước đó, tờ báo ủng hộ Điện Kremlin Komsomolskaya Pravda tiết lộ một số liệu thống kê chính thức của Bộ Quốc phòng Nga có thể bị rò rỉ hoặc bị hack, rằng 9.861 binh sĩ Nga đã thiệt mạng và 16.153 bị thương tại Ukraine trong gần một tháng chiến đấu.
Đoạn báo cáo này đã bị xóa ngay sau đó. Con số chính thức mà Bộ Quốc phòng Nga đưa ra là 498 binh sĩ Nga đã thiệt mạng ở Ukraine tính đến ngày 2/3, tức là chưa đầy một tuần sau cuộc chiến.
Nhiều nguồn tin tình báo Ukraine cho biết, các chỉ huy quân sự Nga cũng đang mắc lỗi chiến thuật. Bằng chứng là, sau khi Thiếu tướng Vitaly Gerasimov tử trận ở ngoài thành phố Kharkiv của Ukraine vào đầu tháng 3, họ đã thu được một cuộc trò chuyện qua radio bày tỏ sự thất vọng về sự cố trong thiết bị liên lạc an toàn của Nga.
Tướng Gerasimov được cho là cháu trai của tướng Valery Gerasimov, sĩ quan quân đội hàng đầu của Nga.
NGUYÊN NHÂN CÓ THỂ LÀ GÌ?
Chiến dịch ở Ukraine lần này dường như là đợt triển khai lực lượng lớn nhất của Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ hơn 30 năm trước. Cuộc chiến kéo dài 9 năm của Liên Xô tại Afghanistan trong những năm 1980 đạt đỉnh điểm là 115.000 quân, trong khi tuyên bố về quân số của Nga trong hai cuộc chiến ở Chechnya là dưới 100.000.
Trong cuộc chiến ở Gruzia vào năm 2008 và Ukraine vào năm 2014, Nga cũng chỉ triển khai một số lượng nhỏ, trong số đó có nhiều binh sĩ mặc thường phục để che giấu hoạt động.
Mỹ hiện chưa xác nhận cái chết của bất kỳ chỉ huy nào của Nga. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ có cùng quan điểm khi nói về quy mô và sự phức tạp của cuộc tấn công vào Ukraine, một quốc gia có diện tích gần bằng Texas, và số lượng lớn các binh sĩ tử vong của Nga khiến các nhà xác ở láng giềng Belarus tràn ngập người chết.
Một quan chức quốc phòng cấp cao yêu cầu được giấu tên của Mỹ nhận định: “Việc họ đưa các chỉ huy cấp cao, thậm chí là các sĩ quan cấp tướng trực tiếp tới chiến trường cho một cuộc tấn công quy mô lớn như vậy là hoàn toàn có lý vì họ chưa bao giờ tiến hành một chiến dịch nào có quy mô và phạm vi lớn như vậy.”
Ông cho biết thêm, Quân đội Nga cũng có truyền thống về cơ cấu chỉ huy từ trên xuống nghiêm ngặt hơn quân đội phương Tây. Điều này khiến các sĩ quan cấp dưới kém linh hoạt hơn nhiều và buộc các sĩ quan cấp cao phải trực tiếp đưa ra các quyết định chiến thuật.
Cho đến nay, Nga chỉ đưa ra thông báo chính thức về cái chết của một chỉ huy duy nhất, Thiếu tướng Andrey Sukhovetsky, một cựu binh trong các cuộc chiến ở Chechnya, Georgia và sự kiện sáp nhập Crimea năm 2014, vị tướng này đã thiệt mạng chỉ bốn ngày sau khi chiến dịch bắt đầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đã sa thải phó chỉ huy lực lượng Rosgvardia, đơn vị tương tự như Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ, vì cáo buộc làm rò rỉ thông tin và lãng phí nhiên liệu.
James Foggo, Đô đốc bốn sao đã nghỉ hưu, cựu chỉ huy Hạm đội 6 Hải quân Mỹ chịu trách nhiệm về khu vực Châu Âu và Châu Phi và hiện đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Chiến lược Hàng hải tại Liên đoàn Hải quân Hoa Kỳ nói: “Chuỗi chỉ huy quân sự của Nga là một loại môi trường có nhiều nguy cơ bị thay thế hoặc sa thải hoặc thậm chí tệ hơn”.
Các cơ quan tình báo Mỹ và phương Tây đã phát hiện ra một số hạn chế về khả năng chỉ huy và kiểm soát của Nga, cùng với các vấn đề hậu cần mà nước này gặp phải trong suốt cuộc chiến ở Ukraine.
Rob Lee, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, người từng phục vụ trong Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ cho biết: “Việc mất đi chỉ huy các đơn vị là một vấn đề lớn vì rất khó để tìm được người thay thế và tiếp quản”.
Kể từ sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Quân đội Mỹ chỉ có một tướng thiệt mạng trên chiến trường. Đó là thiếu tướng Lục quân Harold Greene, người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công nội gián khi một binh sĩ Afghanistan nổ súng vào một phái đoàn đến thăm tại một căn cứ của Mỹ vào năm 2014.
Một người khác, Trung tướng Timothy Maude, đã thiệt mạng tại Lầu Năm Góc trong vụ 11/9 khi một chiếc máy bay bị cướp đâm vào tòa nhà. Ngoài ra, còn sự kiện Tướng Austin “Scott” Miller, người đã rút súng ngắn bắn chết hai quan chức an ninh Afghanistan và thoát chết trong một cuộc tấn công nội gián ở tỉnh Kandahar của Afghanistan vào năm 2018./.