Nhờ chương trình thụ tinh ống nghiệm miễn phí cho các cặp đôi nghèo, vợ chồng chị Liên vỡ òa khi đón cặp sinh đôi đầu lòng sau chục năm kết hôn.
10h6 ngày 9/6 vừa qua, Bệnh viện phụ sản Trung ương vừa mổ bắt thành công cho thai phụ Triệu Thị Liên (28 tuổi, người dân tộc Dao, quê Yên Bái). Hai bé gái Linh Đan và Linh Chi lần lượt nặng 2,8 kg và 3,1kg.
Vợ chồng chị Liên và 2 cô con gái đầu lòng. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Được biết, vợ chồng chị Liên có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Năm 2010, chị Liên kết hôn với một chàng trai cùng dân tộc Dao là anh Sơn và định cư tại một ngôi nhà nhỏ tại thôn Kim Long, Khánh Hòa, Lục Yên, Yên Bái. Thu nhập chính của hai vợ chồng chủ yếu từ trồng quế và cây lâm nghiệp, mỗi tháng chỉ vẻn vẹn vài trăm nghìn.
Năm 2014, chị Liên đậu thai lần đầu nhưng niềm vui ngắn hạn, đứa con chưa thành hình đã không giữ được vì người mẹ chửa ngoài tử cung. Từ đó, cặp vợ chồng người Dao vẫn không có con trở lại. Điều này khiến chị Liên gần như trầm cảm, quá áp lực nên chị đề nghị ly hôn để chồng có người mới sinh con. Song, anh Sơn không đồng ý.
Dành dụm được ít tiền, anh Sơn quyết định đưa vợ xuống Hà Nội đến Bệnh viện Nam học và Hiếm thăm khám. Lúc đó, chị Liên mới biết bản thân bị tắc vòi trứng cho nên trong ngần ấy năm mới không thể có em bé.
Vì chị Liên khó mang thai tự nhiên nên các bác sĩ khuyên hai vợ chồng nên làm thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, chi phí rơi vào khoảng 100 triệu đồng, gấp 142 lần so với thu nhập hàng tháng của hai người, vì vậy cặp vợ chồng đành ngậm ngùi trở về nhà.
Số phận đã mỉm cười với vợ chồng chị Liên - anh Sơn. (Ảnh: Nhịp sống việt)
"Trời không tuyệt đường người", năm 2019, chị Liên - anh Sơn bất ngờ nhận tin vui. Đó là họ may mắn nhận được một trong 10 suất hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí của Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội. Càng hạnh phúc hơn nữa khi chị Liên có song thai thành công ngay lần chuyển phôi đầu tiên.
"Thấy que thử hiện hai vạch, vui lắm nhưng nước mắt cứ chảy dài", chị Liên kể lại.
Bắt đầu từ đó, chị Liên phải đối mặt với một thai kỳ đầy khó khăn, vất vả. Khi thì nghén nặng, nôn ra máu, không uống được nước, khi thì phải thở oxy. Chưa kể có một tháng, người mẹ Dao này phải chuyển sang bệnh viện Bạch Mai vì nghi cường giáp. Anh Sơn vì quá thương vợ nên định bỏ một đứa bé nhưng chị Liên kiên quyết từ chối: "Khó khăn lắm con với đến với mình. Em không thể bỏ con nào được."
Hầu hết trong thời gian mang thai, Liên nằm tại viện nhờ các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc bởi chồng chị phải lo công việc tại nhà, cuối tuần mới lên thăm vợ. (Ảnh: Thanh Mai./ Vnexpress)
Sau thời gian theo dõi và dưỡng thai tại Bệnh viện Nam học và Hiến muộn Hà Nội. Vào ngày 9/6 vừa qua, sau khi thai nhi được 37 tuần 4 ngày, chị Liên được chỉ định mổ đẻ tại bệnh viện Phụ Sản Trung ương. Trước khi vào phòng mổ, chị Liên thay vì lo lắng lại rất háo hức: "Mong ngóng lắm chị ạ. Em chờ ngày này gần 10 năm rồi. Hi vọng 3 mẹ con đều mẹ tròn con vuông".
Một tuần nay, anh Sơn cùng mẹ có mặt ở Hà Nội trực chờ cùng vợ vượt cạn bên ngoài phòng mổ. (Ảnh: Nhịp sống Việt)
Đúng 10h6 cùng ngày, gia đình anh Sơn hạnh phúc khi thấy 3 mẹ con "vượt cạn" thành công. Ôm con trong tay, ông bố Sơn thủ thỉ: "Hai công chúa của bố à, chào hai con đến với thế giới của bố mẹ. Không biết sau này các con có hiểu được tình cảm của bố mẹ dành cho các con hay không?
Gần 10 năm qua bố mẹ vẫn luôn ở bên nhau cho dù rất nhiều sóng gió. Bao cãi vã, bao nhiêu giọt nước mắt của cả mẹ và bố đã rơi, bao nhiêu tiền của bố mẹ còng lưng kiếm ra trong 1 tháng chưa được đến 3 triệu. Tất cả cũng chỉ vì mục đích tìm các con về với bố mẹ. Bố hy vọng sau này các con lớn có thể hiểu được những lời bố kể và biết ơn những người đã giúp bố mẹ được gặp các con. Bố yêu hai con nhiều!"
Hình ảnh hai cô công chúa nhỏ của chị Liên. (Ảnh: Nhịp sống Việt)
Chị Liên sau khi ra phòng hồi sức cũng xúc động chia sẻ: "Em rất cảm ơn chương trình nhân văn này của BV, nếu không có chương trình, những người nghèo như chúng em không có điều kiện trên hành trình đi tìm con".