Thảm kịch đau lòng
Sáng 17.12, đại diện ban quản trị chung cư Goldmark City (đường Hồ Tùng Mậu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết ở chung cư này vừa xảy ra vụ bé trai nhảy từ lầu cao xuống đất tự tử.
Khoảng 21h tối 16.12, một số người dân sống tại chung cư Goldmark City nghe tiếng động lớn tại khu vực sân tòa nhà S4, khi lại gần thì phát hiện một bé trai nằm bất động.
Sau vụ việc, cư dân đã thông báo cho ban quản trị tòa nhà để báo cho lực lượng chức năng tới xử lý vụ việc.
Sau đó, nạn nhận được đưa đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi.
Thông tin ban đầu, nạn nhân tên T.T.D. (12 tuổi), ở tầng 22 chung cư Goldmark City.
Gia đình nạn nhân cho biết, cháu D. đang học lớp 6. Theo gia đình, có thể do áp lực về việc học tập, làm bài thi không tốt, nên tối 16.12, D. đã nhảy từ tầng 22 xuống.
Xin đừng ép trẻ học
Đối với mỗi đứa trẻ, tuổi thơ cần có nhiều niềm vui và kỷ niệm. Sau này khi lớn lên, những lúc nghĩ về thời thơ ấu của mình, các em sẽ cảm thấy rất hạnh phúc.
Vì vậy khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần dành nhiều thời gian cho con cái hơn. Nếu trẻ bị ép học quá nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy như cha mẹ không còn yêu thương mình nữa.
Dần dần, trẻ sẽ không muốn nói chuyện và xa lánh cha mẹ hơn. Tuổi thơ của một đứa trẻ thiếu thốn tình thương của cha mẹ sẽ là cái bóng lớn ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý và nhân cách.
Rất nhiều cha mẹ bắt ép con học theo ý mình thay vì lắng nghe sở thích và nguyện vọng của con. Khi một đứa trẻ không thích việc học nhưng lại hứng thú với những thứ khác, nếu cha mẹ không hiểu, không tôn trọng sự khác biệt đó sẽ vô tình ngăn cản sự phát triển tài năng của con mình và khiến trẻ cảm thấy bất hạnh.
Dưới áp lực nặng nề của việc học, cùng với việc cha mẹ không thấu hiểu, lắng nghe tâm tư của con cái, nhiều đứa trẻ chọn cách nổi loạn hay buông thả bản thân khi không thể tiếp tục chịu đựng được nữa. Từ đó, có nhiều đứa trẻ đã bị tự kỉ, bỏ nhà ra đi hoặc đau lòng hơn đã chọn cách tự tử để giải thoát.
Vì vậy, cha mẹ cần phải giảm bớt những áp lực, kỳ vọng, căng thẳng vào con cái mình, thương xuyên tương tác, trò chuyện để chúng nói ra những suy nghĩ của bản thân. Hãy lắng nghe, tôn trọng và tạo cảm xúc cho trẻ là điều quan trọng nhất./.