Theo thông tin ban đầu, do ghen tuông, nghi vợ mình có quan hệ tình cảm với cấp trên, ngày 13-10, Khổng Minh Toàn (37 tuổi, ở quận Gò Vấp) đã mua xăng mang đến đường D4 (phường Phú Thuận, quận 7) đốt ôtô của người đàn ông này.
Sau khi gây án, Toàn bỏ trốn khỏi hiện trường. Người dân hỗ trợ chữa cháy nhưng không thành, ngọn lửa lan sang một chiếc ôtô đỗ bên cạnh, ước tính thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.
Tại trụ sở cơ quan công an, nghi phạm đã thừa nhận hành vi của mình. Hiện CAQ 7, TP. HCM đang tiếp tục xác minh, điều tra về hành vi hủy hoại tài sản.
Dưới góc độ pháp Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mọi công dân.
Do đó, mọi hành vi xâm phạm, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác là vi phạm pháp luật.
Đối với vụ việc trên, nếu kết quả xác minh cho thấy giá trị tài sản bị hủy hoại từ 2 triệu đồng trở lên thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Điều Điều 178 BLHS 2015 quy định, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc có tổ chức; Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác… thì bị phạt tù từ 2-7 năm.
Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 5-10 năm. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10-20 năm.
Theo Luật sư Hồng Vân, về mặt chủ quan của tội phạm, người phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
Người phạm tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau như: để trả thù, vì ghen tuông…
Hành vi khách quan của tội này là làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng không thể khôi phục lại được và như vậy toàn bộ giá trị tài sản không còn như lúc ban đầu.
Hành vi này được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau tuỳ thuộc vào thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện như đốt cháy, đập phá, dùng thuốc nổ…Hậu quả là yếu tố bắt buộc phải có ở tội này.
Như vậy, với mức thiệt hại ước tính khoảng 2 tỷ đồng, nghi phạm sẽ đối mặt với hình phạt từ 10-20 năm tù, đồng thời có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản cho các nạn nhân.
“Hành vi hủy hoại tài sản của người khác vì ghen tuông không chỉ không cứu vãn được tình cảm vợ chồng, không giải quyết được mâu thuẫn mà người thực hiện có thể tự đẩy mình rơi vào vòng lao lý. Do đó, mỗi cá nhân cần tỉnh táo, thận trọng, bình tĩnh khi giải quyết những khúc mắc về tình cảm, tránh để lại những hệ lụy đáng tiếc” - Luật sư Hồng Vân khuyến cáo./.