Taliban tự nhận hiện tại họ đã khác rất nhiều so với 20 năm trước, nhưng đường lối được cho là mềm mỏng hơn của phong trào này vẫn cần phải có thêm thời gian để kiểm chứng.

Ngày 17/8, Taliban tuyên bố họ muốn có quan hệ hữu hảo với các nước và sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo, khi lực lượng này lần đầu tiên tổ chức họp báo chính thức sau khi chiếm được thủ đô Kabul, Afghanistan.

Tự nhận rất khác so với 20 năm trước, Taliban liệu có biến lời nói thành hành động?
Người phát ngôn của phong trào Taliban Zabihullah Mujahid. Ảnh: The Times.

Thông tin được đại diện Taliban nêu trong cuộc họp báo được đánh giá là ngắn gọn về chi tiết nhưng gợi mở về đường lối mềm mỏng hơn so với thời điểm họ thống trị Afghanistan cách đây 20 năm. Cuộc họp báo được tổ chức trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh phương Tây nối lại việc sơ tán các nhà ngoại giao và nhân viên một ngày sau khi hỗn loạn xảy ra tại sân bay Kabul.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết, các chuyến bay quân sự đã sơ tán khoảng 1.100 người Mỹ khỏi Kabul hôm thứ Ba (17/8).

Trong động thái củng cố quyền lực, Taliban cho biết, một trong những thủ lĩnh và là người đồng sáng lập của họ, Mullah Abdul Ghani Baradar đã lần đầu tiên trở lại Afghanistan sau hơn 10 năm. Baradar bị bắt vào năm 2010 nhưng được phóng thích vào năm 2018 theo yêu cầu của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump để ông này có thể tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình.

Người phát ngôn của phong trào Taliban Zabihullah Mujahid cho biết: “Chúng tôi không muốn có bất kỳ kẻ thù bên trong hay bên ngoài nào”.

Ông này cũng nói thêm rằng, phụ nữ sẽ được phép học tập và làm việc và “sẽ rất tích cực trong xã hội nhưng trong khuôn khổ của đạo Hồi”.

Nhiều người đã lo ngại, quyền của phụ nữ ở Afghanistan sẽ bị phá vỡ giống như chính phủ nước này nhanh chóng bị đánh bại trước tốc độ tiến công thần tốc của Taliban. “Nếu Taliban muốn nhận được bất kỳ sự tôn trọng nào, nếu họ muốn được cộng đồng quốc tế công nhận, họ phải rất ý thức về thực tế rằng chúng tôi sẽ theo dõi cách họ đối xử với phụ nữ, trẻ em gái và rộng hơn là với cộng đồng khi cố gắng thành lập một chính phủ”, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói với MSNBC hôm 17/8.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết họ đã nhất trí tổ chức một cuộc họp trực tuyến của lãnh đạo nhóm G7 vào tuần tới để thảo luận về một chiến lược và cách tiếp cận chung với Afghanistan. Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt tại Geneva vào tuần tới để giải quyết “những lo ngại nghiêm trọng về nhân quyền” sau khi Taliban tiếp quản đất nước.

Biến lời nói thành hành động?

Liên minh châu Âu (EU) thì khẳng định sẽ chỉ hợp tác với chính phủ Afghanistan sau khi Taliban trở lại nắm quyền nếu họ tôn trọng các quyền cơ bản, bao gồm cả quyền của phụ nữ. Nhưng ở chính Afghanistan, phụ nữ lại bày tỏ hoài nghi về những gì Taliban hứa hẹn.

“Họ phải bắt đầu các cuộc thảo luận. Hiện tại, họ không hề làm điều đó”, nhà hoạt động giáo dục trẻ em gái Afghanistan Pashtana Durrani nói với Reuters. Một số phụ nữ trên khắp Afghanistan đã bị yêu cầu từ bỏ công việc của họ.

Mujahid khẳng định Taliban sẽ không trừng phạt các cựu binh sĩ và quan chức chính phủ, đồng thời sẽ ân xá cho các cựu binh cũng như các nhà thầu và phiên dịch viên làm việc cho các lực lượng quốc tế.

“Sẽ không ai có thể làm hại các bạn, không ai đến và gõ cửa nhà bạn”, Mujahid nói thêm rằng có “sự khác biệt rất lớn” giữa Taliban bây giờ so với 20 năm trước.

Ông này cũng kêu gọi những gia đình đang đổ ra sân bay, cố chạy trốn khỏi đất nước nên trở về nhà và sẽ không có bất kỳ chuyện gì xảy ra với họ.

Giọng điệu hòa giải của ông Mujahid trái ngược với bình luận của Phó Tổng thống thứ nhất Afghanistan Amrullah Saleh – người tự nhận mình là “Tổng thống tạm quyền hợp pháp” và thề không cúi đầu trước những người cầm quyền mới ở Kabul.

Hiện vẫn chưa rõ ông Saleh nhận được sự ủng hộ ra sao từ các phe phái ở một đất nước vốn đã quá mỏi mệt sau nhiều thập kỷ xung đột.

Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi Taliban nên cho phép tất cả những người muốn rời khỏi Afghanistan rời đi và khẳng định mục đích của NATO là giúp xây dựng một nhà nước khả thi, đồng thời cảnh báo liên minh có thể một lần nữa tấn công Afghanistan nếu quốc gia này lại trở thành nơi sinh sôi của chủ nghĩa khủng bố.

Quyết định của Tổng thống Biden, tuân theo thỏa thuận rút quân được đưa ra bởi chính quyền tiền nhiệm đã và đang hứng chịu rất nhiều chỉ trích ngay trong nội bộ nước Mỹ.

Kết quả một cuộc thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos hôm 16/8 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden đã giảm 7 điểm phần trăm, xuống còn 46% - mức thấp nhất trong 7 tháng kể từ khi ông Biden lên nắm quyền.

Tổng thống Mỹ lý giải, ông phải đưa ra quyết định giữa việc để quân đội Mỹ chiến đấu trong một cuộc chiến kéo dài bất tận hoặc thực hiện theo thỏa thuận rút quân đã đạt được dưới thời ông Trump. Ông Biden cho rằng việc Taliban nhanh chóng giành chiến thắng là do các nhà lãnh đạo Afghanistan đã bỏ trốn và quân đội không sẵn sàng chiến đấu./.