Theo lãnh đạo tỉnh Nghệ An, năm 2022, tỉnh thu hút tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 45.764,5 tỷ đồng (khoảng hơn 1,8 tỷ USD). Số vốn FDI đầu tư tại Nghệ An cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 961,3 triệu USD, giúp địa phương này lần đầu tiên lọt Top 10 thu hút FDI lớn nhất cả nước.
Năm 2022, công tác thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nghệ An được đánh giá là có nhiều đổi mới và đạt được kết quả tích cực trên cả 5 phương diện, bao gồm: Số lượng dự án FDI tăng mạnh; vốn đăng ký đầu tư vượt mục tiêu đề ra; cơ cấu thu hút đầu tư chuyển dịch theo hướng tăng số lượng dự án và vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài; lĩnh vực đầu tư chuyển mạnh sang sản xuất công nghiệp và địa bàn thu hút đầu tư chủ yếu tập trung vào Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp.
Đơn cử, cuối năm 2022, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trao Quyết định chủ trương đầu tư 2 dự án của Luxshare ICT (150 triệu USD) và dự án của Tập đoàn Indochina Kajima Capital (50 triệu USD).
- Nhà máy xử lý nước thải Vinh có xả thải đục ngầu ra môi trường: Chờ Chi cục bảo vệ môi trường Nghệ An lên tiếng?
- Giám đốc đăng kiểm ở Nghệ An vừa bị bắt và lý do đặc biệt giữ chức 3 nhiệm kỳ: Sở Giao thông Vận tải và Sở Nội vụ nói gì?
- Đấu thầu tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An): Đa số các gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự, không có tính cạnh tranh!
Trong đó, dự án “Sản xuất các thiết bị, linh kiện điện tử” hay Luxshare ICT (Nghệ An) 2 được đặt tại Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, trên diện tích 36,18 ha, với tổng vốn đầu tư là 150 triệu USD.
Dự án sản xuất linh kiện điện tử của Luxshare ICT có công suất thiết kế 74 triệu sản phẩm/năm, tương đương 3.440 tỷ đồng, dự kiến bắt đầu khởi công vào tháng 1/2023 và chính thức đi vào sản xuất vào tháng 3/2024. Dự án đi vào hoạt động sẽ đóng góp vào ngân sách Nhà nước và tạo việc làm cho hơn 14.000 lao động. Luxshare vốn được biết đến là một trong ba ông lớn sản xuất gia công cho Apple, bên cạnh Foxconn và Goertek.
Trước đó, Luxshare ICT đã đầu tư 140 triệu USD vào KCN thuộc VSIP Nghệ An để xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và đã đi vào hoạt động.
Ngoài Luxshare, một ông lớn gia công cho Apple khác là Goerteck cũng lần đầu tiên đầu tư Dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An. Dự án có vốn đầu tư giai đoạn 1 là 100 triệu USD.
Sau hơn một năm thực hiện, Tập đoàn Goertek đã quyết định đầu tư tăng thêm 400 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của Dự án lên 500 triệu USD, trở thành dự án FDI có quy mô vốn đầu tư lớn nhất tỉnh Nghệ An. Hai giai đoạn của dự án do Goertek dự kiến sẽ tạo ra tổng cộng 35.000 công việc cho người lao động.
Nghệ An cũng đã trao giấy chứng nhận đâu tư cho dự án Nhà máy Khoa học kỹ thuật Kim loại Tân Việt do Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật kim loại Yong Jin Việt Nam làm chủ đầu tư, đặt tại Khu công nghiệp WHA Industrial Zone Nghệ An. Dự án có tổng diện tích đất sử dụng khoảng 12,6 ha, tổng mức đầu tư 125 triệu USD, sử dụng khoảng 300 lao động chất lượng cao, chuyên sản xuất thép cán nguội chính xác, chất lượng cao.
Trong năm 2022, Everwin – một doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị truyền thông và các sản phẩm điện tử dân dụng đến từ Đài Loan đã khởi công dự án có tổng mức đầu tư 400 triệu USD tại Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An). Với công suất thiết kế 270 triệu sản phẩm/năm, dự án của Everwin dự kiến sử dụng khoảng 8.000 lao động vào năm 2025, trong đó bắt đầu tuyển dụng và sử dụng khoảng 2.000 lao động vào năm 2023.
Hay Tập đoàn Quốc tế Ju Teng - Đài Loan đầu tư tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I, trên quy mô diện tích 120 ha. Đây là dự án chuyên sản xuất linh kiện điện tử máy vi tính, thiết bị ngoại vi của máy vi tính và phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho xe ô tô, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 200 triệu USD, sử dụng khoảng 6.000 - 9.000 lao động.
Chỉ riêng 4 ông lớn là Luxshare, Goertek, Everwin và Ju Teng đã rót hơn 1,2 tỷ USD vào Nghệ An, dự kiến tạo ra 65.000 - 68.000 việc làm cho người lao động.
Hiện nay, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam và các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng 3 khu công nghiệp trọng điểm (VSIP 1, WHA giai đoạn 2, Hoàng Mai 1); đẩy nhanh tiến độ chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án hạ tầng Khu Công nghiệp Thọ Lộc A giai đoạn 1 (VSIP 2), Hoàng Mai 2; chuẩn bị các điều kiện phát triển thêm các khu công nghiệp mới (WHA giai đoạn 3, 4; Thọ Lộc B, Nghĩa Đàn,…); đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò, các dự án xây dựng nhà ở xã hội, từ đó thu hút thêm đầu tư, đón các “đại bàng” về làm tổ.
Theo Ngọc Diệp - Markettimes.vn