Người đứng đầu phái đoàn điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Peter Embarek cho rằng, một nhà khoa học Trung Quốc có thể đã làm khởi phát dịch bệnh sau khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong quá trình thu thập mẫu virus trên loài dơi.
Trong cuộc phỏng vấn trên đài TV2 của Đan Mạch ngày 12/8, ông Peter Embarek lưu ý, một giả thuyết có khả năng xảy ra đó là nhân viên phòng thí nghiệm có thể đã nhiễm virus khi đang làm việc trên thực địa và người này chính là “bệnh nhân số 0”.
“Một nhân viên phóng thí nghiệm có thể đã bị nhiễm virus khi đang thu thập mẫu trong hang dơi – kịch bản này vừa phù hợp với giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm vừa phù hợp với giả thuyết virus lây nhiễm trực tiếp từ dơi sang người. Chúng tôi xem đây là điều có khả năng xảy ra”, ông Embarek nói.
Các nhà khoa học tại Viện Virus học Vũ Hán được cho là đang nghiên cứu về virus corona trên loài dơi tại các phòng thí nghiệm của viện này, tuy vậy, đến nay Trung Quốc vẫn chưa chung cấp thông tin chi tiết về các nghiên cứu của họ.
Tuyên bố mới nhất của ông Embarek có nhiều khác biệt so với kết luận trước đó của đoàn chuyên gia WHO được cử tới Vũ Hán, trong đó nói rằng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra".
Sức ép gia tăng với Trung Quốc
Trung Quốc ngày càng chịu sức ép lớn hơn trong việc phải công bố thông tin về các công việc tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán cũng như cho phép tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về nguồn gốc dịch bệnh.
Tháng 7 vừa qua, WHO đã kêu gọi thực hiện một cuộc điều tra chuyên sâu. Tuy vậy, yêu cầu này đã bị Trung Quốc phản đối. Mới nhất, ngày 12/8, WHO hối thúc Trung Quốc chia sẻ dữ liệu thô về những ca mắc Covid-19 ban đầu và cung cấp “tất cả số liệu cũng như cho phép tiếp cận đầy đủ để những nghiên cứu tiếp theo có thể bắt đầu càng sớm càng tốt”. Trong khi đó, Mỹ dự kiến cũng công bố báo cáo về kịch bản virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm vào cuối tháng 8 này.
Ông Duncan Smith – đồng chủ tịch Liên minh liên Nghị viện về Trung Quốc (Ipac) cho rằng, cộng đồng quốc tế cần khẩn trương xác định cách thức bùng phát của dịch bệnh để đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp.
“Cả WHO và Trung Quốc cần phải làm rõ về nguồn gốc virus SARS-CoV-2”, ông Duncan Smith nói.
Giả thuyết “hợp lý”
Đến nay, hầu hết sự chú ý của công chúng đều tập trung vào Viện Virus học Vũ Hán. Nhưng trong cuộc phỏng vấn, tiến sỹ Embarek nói rằng, ông cũng lo ngại về phòng thí nghiệm thứ hai do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Vũ Hán điều hành, mới chuyển đến địa điểm mới nằm cách chợ hải sản Vũ Hán – nơi phát hiện các ca mắc đầu tiên, khoảng 500m.
“Có những phòng thí nghiệm khác ở Vũ Hán rất đáng quan tâm. Điều tôi lo ngại hơn cả là một phòng thí nghiệm khác cạnh chợ Vũ Hán cũng nghiên cứu virus ở loài dơi nhưng nhiều khả năng không có trình độ chuyên môn và các quy định an toàn nghiêm ngặt như Viện Virus học Vũ Hán. Khi chúng tôi đi khảo sát xung quanh phòng thí nghiệm này, tôi nghĩ rằng tất cả cơ sở vật chất đều mới. Tôi hỏi phòng thí nghiệm này đã hoạt động bao lâu và họ nói rằng chúng tôi chuyển đến đây vào ngày 2/12/2020”.
Theo ông Embarek, điều đáng lưu ý là thời gian chuyển phòng thí nghiệm trùng với thời điểm các trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên được báo cáo.
“Khi bạn di chuyển một phòng thí nghiệm, tất cả các thủ tục sẽ bị xáo trộn. Bạn phải di chuyển các mẫu virus thu thập được. Đó là lý do tại sao khoảng thời gian di chuyển và bản thân phòng thí nghiệm này gây lo ngại”.
Trung Quốc cho đến nay vẫn bác bỏ các giả thuyết cho rằng virus thoát ra từ phòng thí nghiệm, đồng thời đặt nghi vấn rằng một phòng thí nghiệm tại Mỹ mới thật sự là nơi khởi đầu của đại dịch Covid-19./.