Dạy học trực tuyến đối với vùng cao gặp nhiều khó khăn từ cả phía nhà trường lẫn phụ huynh, học sinh. 
 
Tuy nhiên, nhiều hiệu trưởng khẳng định, dù khó khăn thế nào, bằng mọi cách thức, vẫn phải triển khai dạy học. Mục đích đưa học sinh dân tộc thiểu số vào nền nếp, giảm nguy cơ bỏ học, tảo hôn. 
 
Trường bán trú khởi động năm học mới
 
Trước ngày khai giảng, Trường Phổ thông DTBT THCS Lưu Kiền (huyện Tương Dương, Nghệ An) huy động 100% giáo viên về từng bản có học sinh lưu trú, vận động các em trở lại trường đúng lịch. Theo cô Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng nhà trường, đây là hoạt động thường niên mỗi khi chuẩn bị vào năm học mới.
 
Tuy nhiên năm nay, trước diễn biến của dịch, giáo viên có thêm nhiệm vụ mới. Trước hết nắm thông tin học sinh, có em nào rời khỏi địa bàn hay không. Khảo sát thực tế số học sinh có thiết bị đáp ứng học trực tuyến (như điện thoại thông minh, laptop, mạng Internet...). Đồng thời nắm bắt tâm lý, động viên các em sẵn sàng cho chương trình học mới, nhất là với học sinh đầu cấp.
 
Theo Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Lưu Kiền, khó khăn nhất là triển khai dạy học trực tuyến trong điều kiện chỉ có gần 90/300 học sinh toàn trường có điện thoại hoặc laptop. Ngoài thiết bị, còn có vướng mắc như: Nhiều bản chưa có mạng Internet, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) chưa có ý thức tự học, phụ huynh không hỗ trợ được con em trong việc học... Về phía đội ngũ giáo viên chất lượng không đồng đều.
 
Trước thực tế này, nhà trường xây dựng nhiều phương án: Dạy học trực tuyến kết hợp quay clip bài giảng của giáo viên gửi qua Zalo, Facebook; giao bài tập in ra giấy chuyển cho học sinh không có máy móc, thiết bị; tổ chức nhóm học sinh theo từng bản để dùng chung điện thoại, laptop... Bên cạnh đó, trường đề xuất phòng GD&ĐT cho phép đưa học sinh bán trú về trường học tập, thực hiện nội bất xuất, ngoại bất nhập. Đồng thời chia ca học khác nhau giữa học sinh bán trú và ngoại trú để đảm bảo giãn cách.
 
Cô Nguyễn Thị Nhung khẳng định: “Giáo viên sẽ vất vả hơn nhiều lần, nhưng khó khăn thế nào cũng phải triển khai năm học mới, không thể dừng việc học. Bởi nếu lùi thêm thời gian nghỉ, nguy cơ học sinh bỏ học, thậm chí lấy chồng lấy vợ ở trong bản rất cao. Việc dạy học không đặt mục tiêu cao về chất lượng, mà nhằm duy trì nền nếp, thói quen và lịch năm học cho các em”.
 
 
Giáo viên Trường PT DTBT THCS Lưu Kiền (huyện Tương Dương, Nghệ An) đến từng bản thăm hỏi và vận động học sinh tới trường.
 
Linh hoạt cách thức dạy học cho vùng cao
 
Trước và sau ngày khai giảng, cô Vi Thị Lệ (GV Trường Tiểu học Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An) đến từng nhà học sinh để hướng dẫn phụ huynh cài phần mềm học trực tuyến. “Các em nhỏ tuổi chưa tự học trực tuyến được, nhưng ngay cả phụ huynh cũng không biết sử dụng phần mềm. Vì vậy, các thầy cô phải đi từng nhà để cài đặt, hướng dẫn, lưu lại số điện thoại để liên lạc thường xuyên”, cô Lệ nói.
 
Năm nay, cô Lệ được phân công dạy điểm trường chính tại bản Xốp Nặm, nhưng cũng chỉ có 50% học sinh trong lớp bố mẹ có điện thoại thông minh. Còn với những điểm lẻ như Phà Lõm, Huồi Sơn... còn khó khăn hơn về thiết bị lẫn sóng điện thoại, mạng 3G. Giáo viên phải cùng phụ huynh đi “tìm sóng” ở trên núi.
 
Theo khảo sát của Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, trên địa bàn có 47,5% học sinh tiểu học, 34% học sinh THCS đủ điều kiện dạy học trực tuyến. Từ thực tế trên, huyện đề xuất cách thức triển khai dạy học trong điều kiện dịch bệnh cho từng cấp học. Trong đó, bậc mầm non chưa đón trẻ tới trường cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Bậc tiểu học và THCS kết hợp dạy học trực tiếp với điểm bản lẻ, học sinh nội trú, bán trú và dạy học trực tuyến đối với vùng thuận lợi.
 
“Vùng cao có nhiều mô hình trường học, trong đó có trường DTBT và DTNT. Trong hơn 1 tháng qua, Tương Dương không có ca dương tính nào. Vì vậy, phương án dạy học đưa ra theo hướng dẫn của sở GD&ĐT là linh hoạt kết hợp hình thức trực tuyến và trực tiếp. Trong đó, trường bán trú và nội trú sẽ dạy học trực tiếp những nội dung kiến thức cốt lõi, trên cơ sở thực hiện nghiêm 5K phòng dịch. Dạy học nhiều ca để giãn cách. Đồng thời hướng dẫn học sinh học trực tuyến để triển khai các nội dung luyện tập, mở rộng...”, ông Kha Văn Lập, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho hay.
 
Huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cũng là địa phương thực hiện mô hình bán trú ở nhiều trường tiểu học, THCS. Ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng GD&ĐT đề xuất: “Nếu điều kiện thuận lợi, chúng tôi mong được tập trung các em tại trường (xét nghiệm Covid-19 âm tính). Đồng thời thực hiện bán trú “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đối với giáo viên và học sinh, đảm bảo không có dịch bệnh xâm lấn. Khi dịch bệnh được kiểm soát, cơ sở giáo dục hoạt động bình thường, phòng sẽ có hướng dẫn các trường dạy học và bổ sung lại phần kiến thức cho học sinh”.
 
Theo ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, việc dạy học trực tuyến cho học sinh từ khối lớp 1 đến lớp 12 là phương án tối ưu trong bối cảnh dịch bệnh. Để triển khai trên toàn tỉnh, sở đã làm việc với các nhà mạng để hoàn thiện hệ thống LMS - Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh và điều này sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho giáo dục Nghệ An thực hiện tốt dạy học trực tuyến và đảm bảo chất lượng. Nghệ An là tỉnh rộng, nhiều vùng miền đặc thù. Vì vậy, sở cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục tùy điều kiện cụ thể, chủ động, linh hoạt sử dụng nhiều giải pháp, hình thức tổ chức dạy học trực tuyến, trực tuyến kết hợp với trực tiếp.
 
“Với khối 1, 2 sở đã giao Phòng GD&ĐT thành phố Vinh và một số huyện, thị xây dựng bài giảng mẫu, tạo thành hệ thống học liệu chung và gửi cho các trường học khác trên toàn tỉnh khai thác, sử dụng. Trước mắt, triển khai những bài học đơn giản để các em làm quen với việc đi học từ việc cầm bút, cách ngồi, cách phát âm... Việc dạy và học trực tuyến sẽ làm từng bước, chậm nhưng chắc, không thể nóng vội”, ông Thái Văn Thành nói.