Đây là một trong những nội dung được Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tại Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW.

Thực hiện Chương trình công tác số 05 ngày 16/3/2021 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021, sáng 8/6, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020. Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết chủ trì Hội nghị.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: “Tập trung bảo vệ, khôi phục rừng"
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị

Các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý nhiều nội dung đề xuất với Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện việc tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW một cách toàn diện, sâu sắc, qua đó xác định được định hướng phát triển mới cho giai đoạn tới của toàn Vùng.

Lãnh đạo các địa phương như Sơn La, Lạng Sơn, Hà Giang, Điện Biên, Cao Bằng đề nghị, việc cần tập trung đánh giá kỹ và xác định rõ thế mạnh của từng địa phương để đề xuất xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tổng thể vùng; ưu tiên phát triển thế mạnh của các địa phương để hình thành các tiểu vùng chuyên môn hóa sâu một số ngành, lĩnh vực, tạo ra các chuỗi liên kết, gắn kết các địa phương, tạo ra bức tranh thống nhất, có quan hệ hữu cơ của toàn Vùng. Bên cạnh đó, ý kiến của một số địa phương đề nghị chú trọng đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh liên kết vùng...

Trong khi đó, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương thì cho rằng, cần xác định bối cảnh tình hình mới, nhận diện các xu hướng mới để có định hướng phát triển phù hợp cho Vùng thời gian tới. Trong đó, tập trung đánh giá đầy đủ thực tế bức tranh phát triển của Vùng thời gian qua, xây dựng các mô hình phát triển, thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển cho Vùng, nhất là các ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Một số ý kiến cũng đề xuất cần xuất phát từ những đặc điểm riêng có của Vùng để tìm ra những điểm mới, đột phá gắn với các cơ chế đặc thù cho phát triển của Vùng thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Tuấn Anh đề nghị các thành viên trong Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập phát huy tinh thần sáng tạo, vào cuộc quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện sự phân công của Ban Chỉ đạo nhằm hoàn thành các mốc tiến độ đề ra, xây dựng thành công Đề án tổng kết. Trên cơ sở đó, đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới “Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến 2030, tầm nhìn 2045”, phù hợp với điều kiện, bối cảnh mới, nhất là thực hiện định hướng phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ được nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII.

Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh cần tập trung bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn và có chế độ đãi ngộ tốt hơn đối với người trồng rừng, giữ rừng. Phát triển lâm nghiệp bền vững, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Phát triển hiệu quả các cơ sở khai thác gắn với chế biến sâu các loại khoáng sản. Phát triển kinh tế vùng biên, tăng cường quản lý nhà nước, phát huy vai trò kinh tế cửa khẩu. Bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn nước các hồ, đập để điều tiết nước sản xuất và sinh hoạt. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, cần khai thác thế mạnh về bản sắc văn hoá và điều kiện thiên nhiên để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái./.