Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thiết kế xây dựng hạ tầng, đường truyền riêng thông suốt từ trung ương đến địa phương; được trang bị bảo mật tiên tiến, nhiều lớp.

Từ 1/7, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực thi hành với rất nhiều những quy định liên quan mật thiết đến hoạt động cư trú của người dân.

Theo Trung tá Vũ Hoàng Đạt, Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), một trong những điểm mới theo quy định của Luật Cư trú là thay thế việc đăng ký, quản lý cư trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại thông qua việc sử dụng số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Luật Cư trú cũng bãi bỏ, điều chỉnh toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý cư trú, tạm trú của công dân, đồng thời rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính xuống tối đa còn 7 ngày.

Trung tá Vũ Hoàng Đạt: “Thông tin của công dân được bảo mật tuyệt đối”
Trung tá Vũ Hoàng Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an)

Sổ hộ khẩu, tạm trú vẫn còn giá trị đến hết ngày 31/12/2022

PV: Thưa Trung tá, người dân băn khoăn, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ 1/7/2021, đồng nghĩa với việc sẽ bỏ sổ hộ khẩu và sổ tạm trú?

Trung tá Vũ Hoàng Đạt: Từ 1/7/2021, khi Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022. Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Theo Luật Cư trú 2020, thẩm quyền đăng ký cư trú được giao cho Công an xã, phường, thị trấn, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.

Đặc biệt, Luật Cư trú bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương; việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung thống nhất trên toàn quốc.

Luật Cư trú năm 2020 quy định việc thay thế việc đăng ký, quản lý cư trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức đăng ký, quản lý bằng công nghệ thông tin. Từ đó bỏ toàn bộ các quy định về thủ tục cấp đổi Sổ Hộ khẩu; cấp lại Sổ Hộ khẩu; cấp Giấy chuyển hộ khẩu. Bên cạnh đó, do sử dụng phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin nên thời gian giải quyết đăng ký thường trú cho công dân cũng đơn giản, rút ngắn cả về thủ tục và thời gian. Theo quy định trước đây, thời gian giải quyết đăng ký thường trú là 15 ngày, còn theo quy định Luật Cư trú năm 2020 tối đa là 07 ngày đối với thủ tục đăng ký thường trú.

Theo đó, người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký nơi mình cư trú. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký sẽ kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ. Trong 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Để đảm bảo việc quản lý cư trú, quản lý dân cư được chặt chẽ, đúng thực tế cư trú, Luật Cư trú năm 2020 cũng quy định người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký. Cùng với đó, Luật Cư trú bổ sung một số trường hợp xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú để nâng cao hiệu quả quản lý về cư trú, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hoạch định, thực hiện chính sách an sinh xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người có liên quan.

Ví dụ công dân vắng mặt liên tục tại nơi thường trú 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng sẽ bị xoá hộ khẩu….

2 trường hợp dễ bị xóa hộ khẩu nhất (quy định tại Điều 24 Luật Cư trú 2020)

Người đi học và đi làm ăn xa: Khi người dân đã rời khỏi nơi đăng ký thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại nơi đang sinh sống và làm việc hoặc khai báo tạm vắng tại nơi đã đăng ký thường trú sẽ bị xóa đăng ký thường trú (trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;). Trường hợp này dễ xảy ra đối với việc người dân đến những thành phố lớn để học tập, làm ăn.

Người bán nhà: Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản này;

Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó

Trung tá Vũ Hoàng Đạt: “Thông tin của công dân được bảo mật tuyệt đối”
Công an Quảng Ngãi hỗ trợ người tàn tật làm CCCD (Ảnh tư liệu)

PV: Cũng từ 1/7, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức cùng thời điểm Luật Cư trú có hiệu lực. Điều này mang lại những thuận lợi gì cho người dân, đặc biệt trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí?

Trung tá Vũ Hoàng Đạt: Khi cơ sở dữ liệu quốc gia đi vào hoạt động sẽ bảo đảm thực hiện chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí hiện nay mà người dân đang phải chi trả trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính (chi phí đi lại, chi phí phô tô, công chứng, chứng thực các loại giấy tờ…). Trong đó, số định danh cá nhân được coi là “chìa khóa” để các cơ quan, tổ chức kết nối, khai thác, tra cứu thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thông tin của công dân được bảo mật tuyệt đối

PV: Liệu có xảy ra tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân trong quá trình khai thác thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không, thưa Trung tá?

Trung tá Vũ Hoàng Đạt: Ngay từ khi triển khai, đầu tư xây dựng Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an đã chỉ đạo thiết kế xây dựng hạ tầng, đường truyền riêng thông suốt từ trung ương đến địa phương, có phương án để kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành liên quan. Hệ thống được trang bị bảo mật tiên tiến, nhiều lớp. Vì vậy đảm bảo thông tin của công dân được an toàn, bảo mật tuyệt đối.

Việc quản lý, sử dụng thông tin của công dân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Việc sử dụng thông tin công dân phải được sự đồng ý của chủ thể thông tin trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có người khai thác, lợi dụng thông tin cá nhân không đúng quy định thì tùy mức độ vi phạm bị xử phạt theo quy định của pháp luật (xử phạt hành chính hoặc truy tố hình sự).

Trung tá Vũ Hoàng Đạt: “Thông tin của công dân được bảo mật tuyệt đối”
Công an Hà Tĩnh đến tận nhà làm CCCD cho những hoàn cảnh đặc biệt (Ảnh tư liệu)

PV: Như ông chia sẻ, số định danh cá nhân là “chìa khóa” để khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vậy ông có thể cho biết, người dân cần làm gì để tự bảo vệ thông tin cá nhân?

Trung tá Vũ Hoàng Đạt: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng với mức độ bảo mật, an ninh an toàn ở mức độ cao nhất. Hệ thống thường xuyên được các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Thông tin truyền thông kiểm tra về an ninh, an toàn đảm bảo không thể bị xâm nhập bởi các mối nguy hại từ bên ngoài. Do đó, người dân có thể yên tâm về tính bảo mật dữ liệu thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Để tránh việc bị lợi dụng thông tin, người dân khi sử dụng dữ liệu của mình cần hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân (số điện thoại, số định danh cá nhân/số Căn cước công dân…) trên mạng xã hội. Trong trường hợp cần thiết cung cấp thông tin, người dân cần xem xét tính hợp pháp của cơ quan, tổ chức mà mình cung cấp, đồng thời yêu cầu phải đảm bảo bí mật thông tin cá nhân.

PV: Người dân cũng băn khoăn việc CCCD gắn chíp có thể theo dõi, định vị được vị trí của công dân?

Trung tá Vũ Hoàng Đạt: Chíp điện tử gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp điện tử tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam về đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

PV: Xin cảm ơn ông./.