Đây là kết quả rút ra từ báo cáo mới của các chuyên gia tư vấn tại McKinsey&Co. Báo cáo đánh giá 10 nước đại diện cho hơn 60% thu nhập thế giới.

trung-quoc-vuot-my-tro-thanh-nuoc-giau-nhat-the-gioi-12393169-1637057630.png
Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nước giàu nhất thế giới. (Ảnh chụp màn hình: Tăng giá trị tài sản ròng từ năm 2000-2020, tính theo nghìn tỷ USD)

Theo báo cáo này, thế giới "đang giàu có hơn bao giờ hết". Giá trị tài sản ròng trên toàn thế giới đã tăng từ 156 nghìn tỷ USD năm 2000 lên 514 nghìn tỷ USD trong năm 2020. Trung Quốc chiếm gần một phần ba mức tăng. Khối tài sản của nước này tăng từ chỉ 7 nghìn tỷ USD năm 2000, một năm trước khi họ gia nhập WTO, vọt lên 120 nghìn tỷ USD năm 2020.

Mỹ trong khi đó bị kìm hãm bởi sự gia tăng không đáng có của giá bất động sản. Dù vậy nước này cũng chứng kiến giá trị tài sản ròng tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn trên, lên 90 nghìn tỷ USD.

Ở cả hai quốc gia - những nền kinh tế lớn nhất thế giới - hơn 2/3 tài sản thuộc về 10% các hộ gia đình giàu nhất và tỷ trọng này ngày càng tăng lên.

Theo tính toán của McKinsey, 68% giá trị tài sản ròng toàn cầu nằm ở bất động sản. Những tài sản khác bao gồm cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị, và ở một mức độ thấp hơn nhiều - tài sản trí tuệ và bằng sáng chế.

Tài sản tài chính không được tính trong số tài sản toàn cầu này vì tương đương với các khoản nợ.

Theo báo cáo, sự “giàu lên trông thấy” này của các nước làm dấy lên những câu hỏi về tính bền vững. Thực tế, giá trị tài sản ròng tăng mạnh trong hai thập kỷ qua đã vượt xa mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Điều này được thúc đẩy bởi giá bất động sản tăng cao do lãi suất giảm.

Ngoài ra, báo cáo của McKinsey chỉ ra rằng, giá cả tài sản gần như đang cao hơn 50% so với mức thu nhập trung bình dài hạn. Chuyên gia Mischke nói: “Giá trị tài sản ròng tăng thông qua giá tăng, vượt quá mức lạm phát, là vấn đề rất đáng lo ngại, có thể đi kèm với một loạt tác dụng phụ". Giá trị bất động sản tăng cao có thể khiến nhiều người không có khả năng sở hữu nhà, làm tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính - như cuộc khủng hoảng xảy ra ở Mỹ năm 2008 sau khi bong bóng nhà đất vỡ.

Trung Quốc cũng có thể gặp rắc rối tương tự vì các nhà phát triển bất động sản nợ nần chồng chất như tập đoàn Evergrande. Theo báo cáo, giải pháp lý tưởng là giới giàu có trên thế giới phải tìm cách đầu tư hiệu quả hơn để cải thiện GDP toàn cầu./.