Trung Quốc siết chặt quản lý an toàn trong các sự kiện thể thao sau vụ việc khiến 21 người thiệt mạng ở tỉnh Cam Túc.

Hôm qua (5/7), 11 bộ, ngành của Trung Quốc vừa công bố một văn bản liên ngành, yêu cầu siết chặt quản lý an toàn trong các sự kiện thể thao sau vụ việc khiến 21 người thiệt mạng ở tỉnh Cam Túc, miền Tây Bắc nước này hồi tháng 5/2021.

Trung Quốc siết chặt quản lý an toàn các sự kiện thể thao sau vụ 21 người thiệt mạng
Tìm kiếm thiệt mạng ở tỉnh Cam Túc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Sau quyết định đình chỉ các sự kiện thể thao có độ rủi ro cao, như chạy việt dã hay marathon hồi đầu tháng 6/2021 sau vụ 21 vận động viên thiệt mạng tại giải chạy ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý an toàn trong tất cả các sự kiện thể thao ở nước này.

Một văn bản liên ngành giữa 11 cơ quan, gồm Tổng cục Thể thao, Bộ Công an, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc... vừa được ban hành. Theo đó, nhằm tăng cường toàn diện công tác giám sát an toàn các sự kiện thể thao, việc giám sát sẽ phải kết hợp giữa vai trò của chính quyền và sự tự giác của ngành thể thao, đồng thời phải quy định rõ trách nhiệm từng khâu, từ phê duyệt, chịu trách nhiệm, tới tổ chức, quản lý.

Theo văn bản này, thảm kịch xảy ra tại giải việt dã ở Cam Túc đã “bộc lộ nhiều mắt xích yếu và lỗ hổng trong công tác quản lý các sự kiện thể thao” ở Trung Quốc.

Do vậy, văn bản này quy định, sở thể thao các cấp phải chịu trách nhiệm giám sát an toàn các sự kiện thể thao trong phạm vi thẩm quyền của mình. Các đơn vị tổ chức và đồng tổ chức phải chịu trách nhiệm trực tiếp về sự an toàn của các sự kiện thể thao và một văn bản thỏa thuận sẽ được ký kết trước trận đấu để phân định rõ trách nhiệm.

Nhà cung cấp địa điểm tổ chức có nghĩa vụ đảm bảo an toàn nơi diễn ra sự kiện. Đối với các hoạt động thể thao, đặc biệt là hoạt động tận dụng môi trường thiên nhiên hoặc các địa điểm công cộng, như công viên, núi, rừng, sông, hồ, biển, trời và các địa điểm thể thao công cộng v.v..., đơn vị cung cấp hoặc quản lý địa điểm phải thực hiện nghĩa vụ đảm bảo an toàn và hỗ trợ ứng cứu khẩn cấp cùng các nhiệm vụ cứu nạn khác trong khả năng của mình.

Được biết, trước đó, Trung Quốc đã phải hoãn hoặc hủy hơn 60 giải chạy marathon và việt dã trên cả nước sau thảm kịch giải chạy ở Cam Túc./.