Tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) dẫn lời ông Zhong Nanshan cho biết: “Hiệu quả vaccine Trung Quốc là khoảng 70%. Chỉ khi có hơn 80% dân số được tiêm phòng mới có thể tạo miễn dịch cộng đồng. Dự kiến, tính đến cuối năm nay, tỉ lệ tiêm phòng vaccine tại Trung Quốc có thể đạt tới hơn 80%”.
Ông Zhong lưu ý, một nghiên cứu vừa được thực hiện trong đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Quảng Châu hồi tháng 5 cho thấy, mức độ bảo vệ của vaccine Trung Quốc với biến chủng Delta là 60%; tỉ lệ giảm triệu chứng là 70% và giảm bệnh nặng là 100%.
Số liệu mới nhất cũng chỉ ra, mức độ kháng thể đã tăng gấp 10 lần sau khi tiêm thêm 1 mũi vaccine Trung Quốc tăng cường thứ 3, cách mũi 2 khoảng 6 tháng.
Dẫn một nghiên cứu được đăng trên Tuần báo Y khoa Lancet, ông Zhong cho biết, hiệu quả của vaccine Sinovac tại Thổ Nhĩ Kỳ đạt 83,5% và không có báo cáo về tác dụng phụ nghiêm trọng hay tử vong. Điều đó chứng minh hiệu vaccine Sinovac an toàn và hiệu quả tốt.
Kể cả mức độ bảo vệ của các vaccine nội địa Trung Quốc với biến chủng Delta có thấp hơn đôi chút so với nghiên cứu trong phòng thí nghiệm nhưng vẫn rất hiệu quả, chuyên gia dịch tễ Trung Quốc nhận định.
So sánh với vaccine được sản xuất theo công nghệ m-RNA, đang được sử dụng rộng rãi tại các nước phương Tây như Pfizer, Moderna…., ông Zhong chỉ ra, Israel là quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới nhưng đang phải chứng kiến đợt tái bùng phát dịch nghiêm trọng.
Theo kết quả nghiên cứu, tỉ lệ bảo vệ của các vaccine m-RNA tại Israel đạt 95% nhưng giảm chỉ còn 39% sau nửa năm nên ông Zhong cho rằng, hiệu quả của các vaccine mRNA có thể chỉ kéo dài khoảng 6 tháng.
Dẫn thêm thực tế Mỹ đã xác nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 mới trong tháng 8, ông Zhong đánh giá, thực trạng này có thể liên quan tới hiệu quả vaccine giảm sút.
Hiện nay, một số nước trên thế giới đang cân nhắc biện pháp tiêm bổ sung mũi tăng cường để tăng hiệu quả phòng vệ.