Trung Quốc đang tăng tốc và trở thành “đối thủ đáng gờm” trong cuộc đua vũ trụ toàn cầu.

Trong khi các phi hành gia của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Pháp thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian để lắp tấm pin năng lượng mặt trời mới cho Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) hôm 16/6, một tốp các phi hành gia khác của Trung Quốc cũng chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên vào ngày 17/6 trong sứ mệnh xây dựng một trạm vũ trụ mới - ứng cử viên thay ISS và có thể là trạm không gian duy nhất của con người trong vũ trụ bao la kể từ năm 2025.

Trung Quốc - đối thủ nặng ký trong cuộc đua vũ trụ toàn cầu
Trung Quốc phóng tàu Thần Châu-12 hôm 17/6. Ảnh: Tân Hoa Xã

Những bước tiến của Thần Châu-12

Đúng theo kế hoạch, Trung Quốc đã thành công phóng tàu Thần Châu-12 lên không gian vào sáng 17/6 và chỉ 6,5 giờ sau đó 3 phi hành gia của nước này đã đặt chân vào khoang lõi Thiên Hòa của trạm vũ trụ Thiên Cung, sứ mệnh phi hành đoàn thứ bảy lên vũ trụ và sứ mệnh đầu tiên trong quá trình xây dựng trạm không gian của Trung Quốc.

Nhiệm vụ của Thần Châu-12 là sứ mệnh bay thứ 19 kể từ khi Trung Quốc xây dựng và thực hiện chương trình đưa người vào vũ trụ. Một chiến lược phát triển "ba bước" đã được Trung Quốc đưa ra để thực hiện chương trình này vào năm 1992. Sau gần 30 năm phát triển, nước này đã hoàn thành hai bước. Giờ đây, Trung Quốc đang thực hiện bước thứ ba với việc xây dựng một trạm vũ trụ và phòng thí nghiệm vũ trụ quốc gia trong không gian.

So với Thần Châu-11 của 5 năm trước, tính năng, khả năng hỗ trợ và hoạt động của Thần Châu-12 đã được cải thiện rõ rệt. Thần Châu-12 đã có thêm chức năng kết nối nhanh tự động, giúp rút ngắn đáng kể thời gian chờ của các phi hành gia trước khi đến trạm vũ trụ.

Nếu như Thần Châu-11 có số giờ làm việc trên quỹ đạo là 33 ngày, thì Thần Châu-12 đã được thiết kế lên tới 180 ngày, tức có thể đáp ứng tần suất quay vòng các tốp phi hành gia nửa năm một lần sau khi trạm vũ trụ ttương lai hoạt động ổn định.

Mặc dù trong giai đoạn xây dựng trạm vũ trụ, thời gian ở lại khoang lõi của ba phi hành gia Trung Quốc trong sứ mệnh của Thần Châu-12 chỉ là ba tháng, song đây vẫn là thời gian công dân nước này ở trong quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO) lâu nhất từ trước đến nay của Trung Quốc.

Theo Giám đốc Văn phòng Chương trình đưa người vào vũ trụ Trung Quốc (CMSA) Hách Thuần (Hao Chun), nhiệm vụ của phi hành đoàn Thần Châu-12 sẽ phức tạp và nhiều thách thức hơn so với các nhiệm vụ trước đó. Họ sẽ phải hoàn thành bốn nhiệm vụ chính trên quỹ đạo, gồm vận hành và quản lý khu phức hợp của khoang lõi Thiên Hòa, thực hiện hai lần đi bộ và làm các công việc lắp ráp cài đặt ngoài không gian, thực hiện các thí nghiệm khoa học và thử nghiệm công nghệ trong vũ trụ, cũng như tự quản lý sức khỏe của mình.

So với các sứ mệnh phi hành đoàn trước đây, module lõi của trạm vũ trụ Thiên Cung lần đầu tiên trang bị hệ thống hỗ trợ sự sống, bao gồm các hệ thống phụ để tạo oxy điện phân, thu gom và xử lý nước ngưng tụ, xử lý nước tiểu, loại bỏ carbon dioxide (CO2) và loại bỏ một lượng nhỏ khí độc hại để đảm bảo thời gian lưu trú lâu dài trên quỹ đạo của các phi hành gia.

Trung Quốc - đối thủ nặng ký trong cuộc đua vũ trụ toàn cầu
Ba phi hành gia trong khoang lõi Thiên Hòa của trạm vũ trụ Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Tiếp theo Thần Châu-12, tàu chở hàng Thiên Châu-3 và tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-13 dự kiến sẽ được phóng vào tháng 9 và 10/2021. Ba phi hành gia khác được thay sau đó sẽ bắt đầu 6 tháng làm việc tại khoang lõi Thiên Hòa trên quỹ đạo.

Sau 5 nhiệm vụ phóng trong năm nay, Trung Quốc dự kiến có thêm 6 nhiệm vụ khác, bao gồm phóng khoang thí nghiệm Vấn Thiên (Wentian) và Mộng Thiên (Mengtian), hai tàu chở hàng và hai phi thuyền có phi hành đoàn vào năm 2022 để hoàn thành việc xây dựng trạm vũ trụ.

Sau khi hoàn thành, trạm vũ trụ của Trung Quốc có thể hoạt động trên quỹ đạo ít nhất 10 năm, khoảng thời gian này có thể kéo dài đến 15 năm nếu được bảo dưỡng thích hợp, khiến Thiên Cung trở thành trạm vũ trụ duy nhất hoạt động khi ISS ngừng hoạt động vào năm 2024.

Trung Quốc với quyết tâm thay đổi “cục diện vũ trụ”

Chuyến bay có người lái đầu tiên của Trung Quốc đến trạm không gian Thiên Cung được xem là bước tiến lớn để nước này hiện diện thường trực ngoài vũ trụ. Lần đầu tiên sau 5 năm, Bắc Kinh mới thực hiện một sứ mệnh phi hành có người lái. Dù đưa người vào vũ trụ chậm hơn Mỹ và Nga cả bốn thập kỷ, song chương trình không gian của Trung Quốc đang tăng tốc đáng kinh ngạc.

Quan chức Bắc Kinh cũng khẳng định, Thiên Cung sẽ được trang bị công nghệ tối tân dù Trung Quốc vào cuộc đua không gian chậm hơn Nga và Mỹ. Ông Quý Khởi Minh (Ji Qiming), Trợ lý Giám đốc CMSA trong cuộc họp báo ngày 16/6 tuyên bố, việc xây dựng và vận hành trạm không gian sẽ nâng tầm công nghệ Trung Quốc và tích lũy kinh nghiệm cho toàn thế giới.

Không che giấu ý định cạnh tranh với Mỹ, trong bài bình luận đăng ngày 17/6 – thời điểm Thần Châu-12 được phóng lên, tờ Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo Trung Quốc có đoạn: “Ba phi hành gia Trung Quốc hôm nay cất cánh và thành công đặt chân vào trạm vũ trụ ‘Thiên Cung’, đây là cột mốc mới trong sự phát triển của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc. Khi tên lửa đưa tàu ‘Thần Châu-12’ lên không trung, nó giống như một mũi giáo xuyên thủng sự bao vây công nghệ nghiêm ngặt của Mỹ. Đây không chỉ là giây phút phấn khích của người dân Trung Quốc, mà còn là thời khắc thất vọng đối với “phe phong tỏa” và “phe tách rời” nhằm vào Trung Quốc của Mỹ”.

Trần Lam, một trong những người sáng lập tạp chí điện tử tiếng Anh "Go Taikonauts" chuyên giới thiệu về hàng không vũ trụ Trung Quốc, trong một bài báo ngày 17/6 cho rằng, vụ phóng Thần Châu-12 và các phi hành gia nước này lần đầu bước chân vào trạm vũ trụ của Trung Quốc mang ý nghĩa tương tự như lần đặt chân đầu tiên của các phi hành gia vào Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) cách đây hơn 20 năm. Cả hai đều đại diện cho sự xuất hiện liên tục của con người trong không gian. Số người trong không gian của Trung Quốc giờ đã không còn thua kém Mỹ và Nga, điều này sẽ làm thay đổi cục diện không gian do Mỹ và Nga thống trị suốt nhiều thập kỷ qua.

Trong một cuộc nói chuyện với các phi hành gia trên tàu vũ trụ Thần Châu-10 vào năm 2013 qua video, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói: “Giấc mơ không gian là một phần trong giấc mơ giúp Trung Quốc mạnh hơn. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc, người Trung Quốc sẽ có những bước tiến lớn hơn, xa hơn trong khám phá không gian”.

Năm 2020, trong một bài viết của Sputnik trước sự kiện Trung Quốc thử nghiệm thành công tàu vũ trụ tái sử dụng đầu tiên, Viện sĩ Viện hàn lâm Vũ trụ Nga Andrei Ionin cho rằng, Trung Quốc đang từng bước nhưng rất tự tin phát triển các công nghệ vũ trụ của mình.

“Trước đây đã có cuộc chạy đua không gian giữa Liên Xô và Mỹ. Khi đó cuộc chạy đua trên không gian đã phản ánh cuộc đối đầu gay gắt giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Ngày nay cũng vậy, chúng ta đang chứng kiến cuộc chạy đua và sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong không gian, nhưng cuộc cạnh tranh chính đang diễn ra trong các lĩnh vực công nghệ cao, và chiến thắng trong lĩnh vực này mang tính quyết định. Đây là trí tuệ nhân tạo, 5G. Vì vậy, sự cạnh tranh trong không gian vũ trụ chỉ là một phần của một quá trình phức tạp có quy mô lớn hơn đang diễn ra trên Trái Đất”, ông Andrei Ionin cho hay./.